Độ “nóng” ở Fukushima
Tỉnh Fukushima có hai nhà máy điện hạt nhân là Fukushima I (hay gọi tắt là Fukushima Dai-ichi) và Fukushima II (Fukushima Daini). Fukushima I được xây dựng và vận hành đầu tiên của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), gồm tổ hợp 6 lò phản ứng. Nhà máy này đã hoạt động được 40 năm. Các tổ hợp của nó cung cấp lượng điện 4,7GW và là một trong 25 nhà máy điện lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, tại Fukushima I, dưới áp suất của khí hydro, 3 trên 6 lò phản ứng đã bị nổ. Sáng nay, lò số 4 xảy ra hỏa hoạn khiên mức phóng xạ đã tăng lên đáng kể.
Hai nhà máy Fukushima I và Fukushima II ở khu vực bị ảnh hưởng nhất
Độ “nóng” ở Fukushima
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima II nằm cách nhà máy này 115km về phía nam, cũng do TEPCO quản lý và vận hành. Nhà máy này có 4 lò phản ứng.
Nhật Bản khi xây dựng nhà máy điện nguyên tử đều có tiên đoán trước hết những tình huống xảy ra động đất và mọi nhà máy hạt nhân đều sẵn sàng các thiết bị an toàn tối tân nhất, có những bình điện sẵn để các máy cấp cứu bơm nước. Đối với nhà máy Fukushima I, các chuyên gia đã thiết kế xây dựng có thể chống chọi được với động đất đến 9 độ Richter.Trận động đất, và sóng thần sau đó khiến cho hệ thống an toàn của nhà máy bị hư hại, không thể bơm nước vào tâm lò. Nhà máy sẽ tự động ngưng hoạt động khi có động đất.
Tuy nhiên, khi lò ngưng hoạt động, tâm lò nơi nguyên tử hoạt động vẫn còn rất nóng, những thanh nhiên liệu cũng còn nóng, có thể nóng hơn 6% so với bình thường. Vì thế, cần có nước luôn chảy trong tâm lò để làm nguội những thanh nhiên liệu. Khi xảy ra động đất làm cho những máy “cấp cứu” bơm nước vào tâm lò bị hư haị, trong lò chỉ còn nước ở các bình sôi trong đó mà thôi. Như vậy, có thể mất nước đi, và một vài thanh nhiên liệu bị thiếu nước. Những chỗ thiếu nước như thế có thể bị nóng chảy ra, và hiện tượng nhiều chất phóng xạ có thể thoát ra ngoài.
Chính phủ Nhật Bản liên tục cập nhật thông tin về mức độ phóng xạ và khẩn cấp sơ tán người dân trong bán kính 20km quanh Fukushima I. Sự thực là phóng xạ thoát ra cao hơn mức bình thường, nhưng nguy hiểm do phóng xạ thoát ra hiện nay tại đó là rất nhỏ. Điều cần lo nhất hiện nay là nếu lõi lò phản ứng hạt nhân không được nước làm nguội đi, các thanh hạt nhân dần dần sẽ nóng chảy và phát ra phóng xạ rất lớn.
Việc đưa nước biển vào lõi lò phản ứng hạt nhân là biện pháp cuối cùng, vì khi cho nước biển vào, lõi lò trị giá 1 tỷ USD không còn sử dụng được nữa. Khi đó, những tấm sắt làm bao cho nhiên liệu, bình chứa lõi lò, sẽ bị hỏng. Còn với những lò đang được làm nguội các thanh nhiên liệu hạt nhân bằng nước lọc tinh khiết 100%, sau này vẫn có thể sử dụng lại được. Bình thường, xây dựng một nhà máy điện hạt nhân như nhà máy Fukushima tốn khoảng từ 4-5 tỷ USD.
Giản đồ lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima I
Nguy hiểm đến đâu
Theo đúng phương án an toàn hạt nhân tại Nhật Bản, 14 trên tổng số 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc đã tự động ngưng vận hành trong lúc mặt đất bị rung chuyển. Nhưng “tắt máy” một lò hạt nhân rất phức tạp, đòi hỏi thời giờ và phải có một hệ thống làm giảm nhiệt . Nếu không thì nhiệt độ tăng dần, thiêu hủy vật liệu bảo vệ lò phản ứng và nổ tung như một quả bom nguyên tử . Đây là cơn ác mộng đã xảy ra tại Chernobyl năm 1986 mà Nhật Bản và cả thế giới muốn tránh bằng mọi giá.
Đối với nhà máy Fukushima I, các chuyên gia đã thiết kế xây dựng có thể chống chọi được với động đất đến 9 độ Richter. Nhưng khi đường dây bơm nước hay máy cấp cứu bị hư hại bởi một trận động đất ghê gớm như thế, có thể có trường hợp không thể bơm nước vào lõi lò được.
Chính xác vấn đề là hiện nay không ai biết là liệu các biện pháp bơm nước biển để làm nguội các lò phản ứng có mang lại kết quả hay không. Đây cũng là trường hợp của lò số hai ngay tại trung tâm Fukushima. Tình trạng “khủng hoảng” hiện nay là hệ quả của trận động đất và sóng thần cách nay ba hôm, nhưng nó cũng nằm trong bối cảnh địa lý của một vùng thường xuyên xảy ra địa chấn, trong khi vừa có cảnh báo về khả năng có động đất/sóng thần trong thời gian tới. Sự thật là các lò phản ứng ở đó đang có nguy cơ bị quá nóng và hơi phóng xạ đã tỏa vào bầu không khí.
Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano trưa nay vừa khuyến cáo mức phóng xạ quanh nhà máy Fukushima hiện đã ở mức đe dọa đối với sức khỏe con người. Mức phóng xạ đo được gần các lò phản ứng số 2 và số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã lên tới 400 mili sievert.
Từ hôm qua, theo thẩm định của bộ trưởng năng lượng Pháp Eric Besson, tình hình tại Nhật “đáng lo ngại” vì đã có “rò rỉ phóng xạ”. Chính quyền Nhật cho nổ khí hydrogène để làm giảm áp suất bên trong nhà máy và để bảo vệ lớp bê tông bọc quanh lò phản ứng. Nếu vỏ bê tông không bể thì tình hình chỉ “nghiêm trọng”, còn nếu như lò phản ứng bị nóng chảy làm tan cả vỏ bọc thì không tránh khỏi “thảm họa”.
Nhưng giới phân chuyên gia cho rằng tình hình ở Fukushima không vượt khả năng kiểm soát vì ngoài những bộ phận an toàn và sự chống chọi của con người nữa, còn có sự hỗ trợ rất tích cực từ các chuyên gia hạt nhân hàng đầu thế giới. Mỹ mang thêm nước đặc biệt đến những lò còn lại. Ủy ban điều hành hạt nhân Mỹ cho biết Mỹ cũng vừa cho rằng tình trạng về thời tiết đã đưa hơi phóng xạ của nhà máy điện nhạt nhân Fukushima I ra ngoài biển.
Một loạt nước lo ngại về an toàn hạt nhân
Mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng hạt nhân ở Nhật Bản đã lại châm ngòi cho một cuộc tranh luận toàn cầu về năng lượng hạt nhân. Các chính phủ trên khắp thế giới đang duyệt xét lại vấn đề an toàn của các nhà máy hạt nhân và đã hoãn lại các kế hoạch xây các cơ sở mới, sau khi chứng kiến khủng hoảng ở Nhật Bản.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua nói rằng nước Đức bắt đầu cuộc duyệt xét kéo dài 3 tháng về kế hoạch cho 17 nhà máy hạt nhân tiếp tục hoạt động. Những nhà máy gây nhiều tranh cãi này trước đó đã được dự tính giảm dần hoạt động và chấm dứt năm 2021, nhưng rồi chính phủ của bà Merkel đã cổ vũ cho việc giữ lại các nhà máy này thêm khoảng 12 năm nữa.
Thủ tướng Ấn ĐManmohan Singh đã hạ lệnh kiểm tra vấn đề an toàn cho tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong nước, xem có thể chịu đựng nổi nguy cơ động đất, sóng thần và những nguy hiểm khác hay không. Thụy Sỹ vừa quyết định ngừng tiến trình chấp thuận 3 nhà máy hạt nhân để xét lại các tiêu chuẩn an toàn. Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết quốc gia của bà có nhiều nguồn năng lượng thay thế và không cần đến các nhà máy điện hạt nhân.
Tại Paris, nhà hoạt động chống hạt nhân thuộc tổ chức Greenpeace, bà Sophia Majnoni, nói rằng tình trạng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị tàn phá cho thấy là điện hạt nhân không an toàn.
Thượng nghị sĩ Joseph Liberman của Mỹ, một người ủng hộ năng lượng hạt nhân và là Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về an ninh quốc nội và các vần đề chính phủ, kêu gọi Mỹ tạm ngưng việc xây cất các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai cho tới khi tình hình tại Nhật Bản được hiểu rõ ràng.
Theo Hà Khoa (Dân trí)