Ông Hồ Minh Tuấn, Công sứ Việt Nam tại Nhật, cho hay ước tính có khoảng 17.000 tu nghiệp sinh và khoảng 3.000 sinh viên Việt Nam trên toàn Nhật vào thời điểm động đất sóng thần xảy ra. Bên cạnh đó còn một số cán bộ hoặc du học sinh đi theo các chương trình riêng lẻ.
Từ khi xảy ra thiên tai, có một số công dân Việt Nam thông báo muốn trở về nước. Tuy nhiên việc di chuyển ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền đông bắc Nhật Bản không dễ dàng do đường sá bị hư hại nhiều.
Ông Tuấn cho hay, qua nắm tình hình, có một số người Việt ở Nhật đang lo sợ về phóng xạ hạt nhân. Tuy nhiên, nỗi lo sợ này có thể "do chưa hiểu hết vấn đề", ông Tuấn nói. Sau hai vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, lớp bảo vệ cho các lò phản ứng vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế ông Tuấn cho rằng chưa cần sợ hãi về nguy cơ nhiễm xạ hạt nhân.
Tại Tokyo, ba ngày sau thảm họa, việc đi lại vẫn còn nhiều khó khăn. Một số phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, trong khi các cây xăng sáng nay ngừng bán. "Chiều tối qua mỗi người vẫn được mua 20 lít, nhưng sáng nay thì không mua được nữa", ông Tuấn cho biết. "Điều này có thể là do chính quyền cần xăng dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp".
Giá lương thực và nhu yếu phẩm ở thủ đô Tokyo không tăng và không có cảnh hỗn loạn tranh mua bán. Hôm qua, công ty điện Tokyo thông báo sẽ cắt điện luân phiên, nhưng vẫn ưu tiên cho các quận trung tâm và nhờ đó điện ở sứ quán Việt Nam vẫn được duy trì.
Ông Tuấn cho hay, những người Việt ở vùng bị nạn đều được chính quyền sở tại lo cho chu đáo chỗ ở, sưởi ấm và nước uống.
Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật đã tạo công cụ tìm kiếm người thân trên mạng. Báo chí và các mạng xã hội cũng giúp người Việt tìm tin tức và thăm hỏi thân nhân, bạn bè. Liên lạc bằng điện thoại với Nhật nói chung và vùng đông bắc nói riêng đã được tái lập.
Được hỏi liệu Việt Nam có sơ tán công dân như ở Libya hay không, ông Tuấn cho biết đến nay chưa có chủ trương như vậy. Tình hình ở Nhật - nơi người Việt ở rải rác khắp các tỉnh - khác với ở Libya, nơi các công nhân sống tập trung hơn, ông nói.
Theo Thanh Mai (VNE)