Nhật rò rỉ phóng xạ, châu Âu lo ngại

Chính phủ các nước châu Âu đặc biệt ở các nước Tây Âu vốn luôn muốn tránh phụ thuộc vào nguồn dầu thô hay khí đốt từ Nga bằng năng lượng hạt nhân. Nay, tình hình phát tán phóng xạ do động đất và sóng thần ở Nhật đã trở thành chủ đề lớn ở châu Âu.

Trong tuần qua, chính phủ Anh và Pháp tìm mọi cách trấn an dư luận rằng sẽ không để xảy ra tai nạn như Nhật. Sức ép công luận đè nặng nhất là ở Đức. Lâu nay, kết quả các cuộc khảo sát thường cho tỉ lệ đến 70% số người được hỏi phản đối năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, chính phủ của bà Thủ tướng Angela Merkel vẫn quyết định kéo dài thời gian hoạt động của 17 nhà máy hạt nhân thêm trung bình 12 năm nữa. Sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhật, ngày 12-3, khoảng 40.000 người đã xếp hàng dài phản đối trước nhà máy điện hạt nhân ở TP Neckarwestheim.

Cũng trong ngày 12-3, bà Angela Merkel đã triệu tập phiên họp nội các khẩn cấp, sau đó tiếp tục trấn an dư luận rằng trình độ khoa học lẫn cấu trúc địa lý của Đức sẽ không thể nào dẫn tới tai nạn như ở Nhật.

Trong khi đó, chính phủ các nước Đông Âu như Ba Lan, Bulgaria, Romania có phản ứng khác nhau. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trấn an: “Dù sao cũng phải thừa nhận rằng Ba Lan không phải là nước có động đất… Các nhà máy của chúng ta sẽ được xây dựng với độ an toàn tối đa”. Cộng hòa Czech và Slovakia cũng nung nấu ý định phát triển năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, việc quyết định có phần rắc rối do mối quan tâm đến an ninh quốc gia khi các công ty năng lượng hạt nhân của Pháp, Nga và Mỹ đang tranh nhau giành hợp đồng xây dựng lò phản ứng hạt nhân.

Tóm lại, chuyên gia Henrik Paulitz của tổ chức Các nhà vật lý quốc tế vì ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân (IPPNW) có trụ sở ở Mỹ kết luận: “Tai nạn phóng xạ của Nhật sẽ dẫn đến việc cân nhắc lớn ở châu Âu. Trước thời điểm ấy, chính phủ các nước đã không minh bạch đúng mức về mức độ an toàn khi muốn sử dụng năng lượng hạt nhân”.

Ngày 14-3, Bộ Môi trường Trung Quốc thông báo Trung Quốc sẽ không từ bỏ chương trình sản xuất năng lượng điện hạt nhân. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ đạo kiểm tra an toàn của toàn bộ nhà máy điện hạt nhân ở Đức. Ấn Độ cũng sẽ kiểm tra lại mức độ an toàn của 20 lò phản ứng hạt nhân. Hàn Quốc cho biết sẽ cải tiến các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn, an ninh tại các nhà máy điện hạt nhân.

ĐĂNG KHOA

ĐỨC LONG (Theo New York Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm