Hiện chưa có thông báo về thương vong, thiệt hại hay cảnh báo sóng thần do trận động đất mới này gây ra.
Về tình hình tại các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 14/3/2011 nói rằng lúc này không có dấu hiệu về khả năng nóng chảy tại các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại do động đất ở Nhật Bản.
Cảnh đổ nát sau trận động đất và sóng thần ở thị trấn Otsuchi ,tỉnh Iwate ngày 14/3/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phụ trách về an toàn tại các cơ sở hạt nhân của IAEA James Lyons nói: "Chúng tôi không thấy có dấu hiệu về nhiên liệu đang tan chảy vào lúc này."
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tình hình hiện nay tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản "đang không ngừng thay đổi."
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima "rất khó" có thể biến thành một vụ kiểu Chernobyl.
Ông nói: "Tôi muốn nói rằng khả năng phát triển sự cố này thành vụ giống như Chernobyl là điều rất khó có thể xảy ra. Theo người đứng đầu Cơ quan An toàn hạt nhân của Pháp (ANS) Andre-Claude Lacoste, những vấn đề ở Fukushima "nghiêm trọng hơn sự cố tại Đảo Ba Dặm (ở bang Pennsylvania của Mỹ), song không lớn bằng vụ Chernobyl."
Sự cố tại Đảo Ba Dặm năm 1979 được xếp ở cấp 5 trong thang quốc tế từ cấp 0-7, trong khi vụ nổ ở Chernobyl xếp ở cấp 7.
Quan chức này cho rằng sự cố ở Nhật Bản có lẽ xếp ở cấp 6, trên mức xếp loại cấp 4 của Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản.
Theo TTXVN/Vietnam+