11 giờ sáng 14-3 theo giờ địa phương, vụ nổ thứ hai đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (cách thủ đô Tokyo 250 km). Điểm bị nổ là lò phản ứng số 3. Mái và tường bao bên ngoài lò phản ứng bị thổi tung, chỉ còn trơ lại khung sắt.
Dự đoán từ hai ngày trước
Công ty Tokyo Electric Power (TEPCO) cho biết có 11 công nhân bị thương và sức nổ tương đương sức nổ ở lò phản ứng số 1 hai hôm trước.
Người phát ngôn chính phủ Nhật Yukio Edano cho biết nhà lò hạt nhân không bị hư hại nên nguy cơ phóng xạ bị phát tán không cao. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tối đa, dân sống trong bán kính 20 km quanh hiện trường đã được lệnh ở trong nhà và đóng kín cửa. Chính quyền thủ đô Tokyo đang kiểm tra mức phóng xạ trong không khí.
Theo TEPCO, mực nước làm nguội lò phản ứng bị giảm do động đất đã làm lộ thanh nhiên liệu hạt nhân, sau đó xảy ra phản ứng với khí hydro trong hơi nước trong lò làm áp lực trong lò tăng cao dẫn đến phát nổ. Sau vụ nổ, nước biển đang được bơm vào lò để làm mát và giảm áp lực.
Bản đồ các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực bị ảnh hưởng động đất và sóng thần ở Nhật. Ảnh: TÉLÉGRAMME
Lò phản ứng số 3 phát nổ sáng 14-3. Ảnh: REUTERS
TEPCO cho biết nguy cơ lò phản ứng số 3 phát nổ đã được dự báo từ hai ngày trước. TEPCO định xả hơi nước để giảm áp lực nhưng lại thay đổi ý định vì nhận thấy áp lực có dấu hiệu giảm. Hiện thời TEPCO chưa thể khẳng định các lõi hạt nhân trong hai lò phản ứng số 1 và số 3 có bị nóng chảy không vì chưa thể kiểm tra do trong lò quá nóng.
Lò thứ ba có thể nổ
Trong ngày 14-3, TEPCO cho biết đã mất khả năng làm mát lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, do đó nguy cơ phát nổ có thể xảy ra. Ông Yukio Edano cho biết chính phủ sẽ làm hết sức để ngăn chặn nguy cơ nổ lò phản ứng số 2.
Một quan chức Nhật (phải) mặc đồ bảo hộ trò chuyện với một phụ nữ sơ tán từ khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2. Ảnh: DAILY MAIL
TEPCO đang cố gắng khôi phục hoạt động của thiết bị giảm áp trong các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 nhưng chưa thành công. Tình trạng giảm mực nước làm mát cũng đang xảy ra tại các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima số 2.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết mức phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi (nơi được ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 13-3 do có mức phóng xạ cao) đã xuống mức bình thường. Ba lò phản ứng tại nhà máy này không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ. IAEA nhận định mức phóng xạ cao tại nhà máy Onagawa là do phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1 cách đó 135 km lan sang.
Theo các hãng tin NHK và Kyodo News của Nhật, 17 binh sĩ của tàu sân bay Ronald Reagan (hạm đội 7 hải quân Mỹ) đã bị nhiễm phóng xạ ở mức thấp từ vụ nổ lò phản ứng số 3. Mức nhiễm tương đương mức con người có thể nhiễm trong một tháng. Hạm đội 7 đã điều động tàu và máy bay rời xa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Không thể ví với thảm họa Chernobyl! Ngày 14-3, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết trong sự cố phát nổ xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Nhật, phóng xạ rò rỉ ra môi trường không nhiều và sự cố này cũng không thể ví với thảm họa ở Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine). Nguyên do là phóng xạ trong lò được bao bọc bởi lớp bê tông kiên cố nên nguồn phóng xạ bị rò rỉ rất hạn chế. Chỉ có thiết bị hết sức tinh vi mới phát hiện phóng xạ bị rò rỉ ra môi trường, đến lúc đó mới đánh giá có bị ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không. Theo TS Hoàng Anh Tuấn, phòng xạ bị rò rỉ còn phụ thuộc vào hướng gió, phạm vi gần hay xa, căn cứ vào đó mới đánh giá có bị ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không. Ông nhấn mạnh: “Sự cố này chắc chắn không ảnh hưởng đến Việt Nam”. PHONG ĐIỀN |
210.000 người sơ tán sau vụ nổ lò phản ứng số 3 ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Không có bất kỳ khả năng xảy ra tai nạn như Chernobyl. Bộ trưởng Bộ Chiến lược quốc gia Nhật KOICHIRO GENBA tuyên bố ngày 14-3 Đáng quan tâm chứ! Ngày 14-3, Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng PhápÉRIC BESSON đánh giá kịch bản thảm họa hạt nhân ở Nhật Tôi sắp đề nghị tổ chức kiểm tra an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu. Tuyên bố ngày 14-3 của Bộ trưởng Môi trường Áo NIKOLAUS BERLAKOVICH |
ĐĂNG KHOA (Theo Kyodo, Reuters, AFP, AP)