“Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay)…”.
Chỉ vài dòng ngắn ngủi vậy thôi nhưng là dấu mốc quan trọng trong việc xác lập sự hiện diện chính thức của hệ thống chính quyền chúa Nguyễn nơi đất Đồng Nai - Gia Định xưa. Người có công lớn trong việc mở mang, xác lập cương vực lãnh thổ mới cho đất Đàng Trong của chúa Nguyễn được nói tới ở đây, là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính). Nhiều đền thờ lễ thành hầu đã được dựng lên thờ phụng ông nơi đất Nam Bộ.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII của nhà văn Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền (ảnh) là cuốn sách vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Cuốn sách đã góp phần phục dựng một bức tranh khá hoàn chỉnh về cuộc đời, sự nghiệp của tiền nhân. Từ tiểu sử, thân thế dòng tộc Nguyễn Hữu Cảnh cho tới vùng đất quê hương Quảng Bình. Và quan trọng hơn cả, chính là công nghiệp của ông trong việc mở đất Nam Bộ cũng như những chính sách an dân, đối ngoại với ngoại bang của vị chưởng cơ dòng Nguyễn Hữu.