Rà soát ATM trên toàn quốc sau vụ điện giật chết người

Trao đổi với PV sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết ông đã chỉ đạo xử lý gấp vấn đề này.

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gửi công văn yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn về điện tại ATM.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quang Tiên cho biết các đơn vị liên quan sẽ phải kiểm tra ngay tình trạng của tất cả các máy ATM trên địa bàn. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện các trường hợp ATM bị rò điện, không an toàn về điện thì phải thực hiện phong tỏa ngay để xử lý, đồng thời có hướng dẫn đối với khách hàng đến giao dịch để đảm bảo dịch vụ bình thường. Các đơn vị phải bổ sung quy trình, quy định cần thiết về việc lắp đặt và sử dụng ATM để bảo đảm an toàn về điện tại các địa điểm lắp đặt máy.

Các ngân hàng thương mại sẽ phải báo cáo kết quả rà soát và xử lý về Ngân hàng Nhà nước trước 8/4. Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố sẽ là đầu mối đôn đốc và giám sát việc này.

Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra 4 ngày sau cái chết của một em học sinh lớp 4 tại khu vực buồng ATM Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank (đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM). Chiều 1/4 sau khi tan học, em Châu Linh Uyên đứng chơi cạnh ATM này thì bất ngờ co rút, bất tỉnh. Chỗ Uyên bị nạn có một sợi dây diện móc nối từ buồng ATM ra bên ngoài. Nạn nhân được xác định chết do điện giật.

Điện lực Hà Nội cũng bắt đầu vào cuộc kiểm tra ATM. Sáng nay, Công ty Điện lực thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu các chi nhánh làm việc với các ngân hàng, kiểm tra hệ thống cấp điện, tiếp địa, dây dẫn điện, các điểm nối của tất cả các buồng đặt máy ATM hiện có trên địa bàn. Công việc rà soát, kiểm tra phải xong trước ngày 7/4. Với các ATM không đảm bảo kỹ thuật an toàn điện, công ty yêu cầu ngân hàng ngắt điện, dừng giao dịch, đồng thời có biện pháp khắc phục triệt để ngay.

Ông Tạ Văn Minh, Trưởng ban an toàn Công ty Điện lực Hà Nội cho hay xảy ra sự cố ở nguồn điện cấp là thuộc trách nhiệm của khách hàng. Phía Công ty Điện lực Hà Nội chịu trách nhiệm cung cấp điện ở đầu trạm biến áp hoặc đằng sau công tơ. "Trường hợp dây bị hở dẫn đến rò rỉ điện sẽ thuộc trách nhiệm khách hàng. Phía điện lực sẵn sàng phối hợp để hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn", ông Minh nói.

Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố chết người vì điện giật ở khu vực ATM. Tuy nhiên trước đó, nhiều khách hàng phản ánh bị tê tê, giật điện nhẹ khi rút tiền tại máy, đặc biệt những hôm trời mưa, ẩm ướt.

Ông Bùi Quang Tiên cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên khuyến cáo các ngân hàng đảm bảo an toàn giao dịch trên ATM. Sự cố vừa xảy ra là hy hữu, song cũng cảnh báo các ngân hàng thận trọng hơn nữa.

Theo lý giải của đại diện Ngân hàng Việt Á, những máy ATM được phát hiện có hiện tượng rò điện, gây giật tê tê là do dây tiếp đất của máy bị đứt và chưa kịp khắc phục. Các máy của VietA Bank được kiểm tra định kỳ 3 tháng một lần.

Bộ phận thẻ ở các ngân hàng cũng thừa nhận hiện tượng nhiễm điện của các thiết bị điện tử, trong đó có ATM là rất phổ biến và chỉ có cách khắc phục duy nhất là đóng cọc tiếp đất để chống rò điện. Tuy nhiên, theo các ngân hàng ở những tòa nhà, cao ốc không thể xới nền để đóng cây sắt sâu 2m dưới lòng đất như những khu vực ngoài trời.

Lý giải này đã được các ngân hàng đưa ra từ trước, sau những phản ánh liên tục của khách hàng bị điện giật tê tê khi rút tiền. Tuy nhiên, phải đến sau cái chết của bé Uyên - nghi bị điện giật chết ở ATM, các ngân hàng mới cấp tập đi kiểm tra, rà soát hệ thống cung cấp điện, nối đất, các bảng hiệu, thương lượng với chủ các tòa nhà cho đóng cọc tiếp đất. "Nếu chủ tòa nhà không đồng ý, ngân hàng sẽ dở bỏ các máy ATM tại đây và di dời sang vị trí khác", Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng ở quận 1 khẳng định.

Giám đốc trung tâm thẻ của ngân hàng có gần 100 ATM đặt ở TP HCM cho biết tuổi thọ trung bình của một ATM khoảng 5 năm. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này không phải máy nào cũng được thay mới hoàn toàn mà có thể tái sử dụng tiếp sau khi thay thế một số thiết bị bên trong.

Công ty điện lực TP HCM đã kiểm tra khoảng 1.300 ATM trên địa bàn thành phố và mới phát hiện thêm gần 60 máy ATM bị nhiễm điện. Như vậy, tổng số máy nằm trong diện rò điện và phong tỏa hiện khoảng 120 chiếc, tương đương gần 10% số máy hiện có tại các điểm rút tiền công cộng. Hiện các thùng ATM bị rò điện đã được ngắt nguồn

Nguyên nhân rò điện bước đầu được xác định là do hệ thống điện bên trong máy ATM đấu nối không chuẩn, không có dây nối đất.

Đại diện phòng kỹ thuật an toàn - bảo hộ lao động điện Công ty Điện lực TP HCM cho biết: "Dòng điện đo được tại các máy ATM bị rò khoảng 50 V. Theo lý thuyết dòng điện này không gây chết người. Tuy nhiên đã rò điện là thì khả năng gây nguy hiểm là điều khó lường".

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm