Rộ nghề nuôi sinh vật gây hại - Bài 2: Nuôi “siêu sâu”, ốc bươu vàng

Hiện nay, ở Long An, khu vực ĐBSCL… hàng trăm hộ nông dân đầu tư vào việc nuôi “siêu sâu” (super worm) có nguồn gốc từ Trung Quốc để làm thức ăn cho chim, cá cảnh. Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng thương lái ồ ạt gom mua ốc bươu vàng với giá khá cao. Hoạt động thu mua bất thường bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng.

Nuôi “siêu sâu” - lợi bất cập hại

Tại các xã Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng (huyện Đức Hòa, Long An) có nhiều hộ nuôi sâu.

Anh Trương Thanh Dũng, một trong những người nuôi sâu tại ấp Đức Lập Thượng, cho biết đây là nghề hốt bạc. Chỉ cần đầu tư khay đựng sâu (giá 100.000 đồng/cái) cộng với sâu mẹ 2.000 đồng/con, con giống và thức ăn thì sau ba tháng, sâu mẹ sinh sâu con rồi từ đó tiếp tục sinh sôi nảy nở với tốc độ… chóng mặt. Trung bình một hộ nuôi vài trăm khay sâu, mỗi tháng kiếm lời hàng chục triệu đồng là chuyện thường. Dễ nuôi và có lời, nhiều hộ dân thi nhau nuôi sâu tự phát, bất chấp các khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, đầu năm 2013, nhiều hộ dân dở khóc dở mếu vì sâu bỗng dưng chết hàng loạt. “Tôi có hơn 100 khay sâu thì bỗng dưng sâu bệnh, chết dần, con sống lại ăn thịt con chết nên lây lan nhanh. Một thời gian thì sâu chết hết, lỗ 40-50 triệu đồng” - anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Đức Lập Hạ than.

Rộ nghề nuôi sinh vật gây hại - Bài 2: Nuôi “siêu sâu”, ốc bươu vàng ảnh 1

Một cơ sở nuôi sâu quy mô tại huyện Đức Hòa hiện đã tạm ngưng vì sâu bị bệnh lạ chết hàng loạt. Ảnh: T.QUỐC

Một số hộ khác cho hay vẫn có thuốc đặc trị bệnh của sâu nhưng phải đặt mua thuốc ở Trung Quốc vì loài sâu này có nguồn gốc từ đó!

Ông Nguyễn Tấn Triều, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa, cho biết phòng chưa nhận văn bản chính thức nào từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh về việc cho phép nuôi loài sâu này. “Chúng tôi kiến nghị Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh nên vào cuộc ngay để xử lý dứt điểm, đề phòng hiểm họa về sau” - ông Triều nói.

Ốc bươu vàng giá cao

Mấy tháng mùa lũ năm nay, gia đình ba người của chị Lê Thị Ngọt ở xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An) rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng bán cho đại lý thay vì giăng câu lưới vất vả như mọi năm. Mỗi ngày gia đình chị bắt được từ vài chục đến hàng trăm ký ốc. Ốc sau khi luộc sơ lể thịt bỏ vỏ. Cứ khoảng 5 kg ốc còn vỏ thu được 1 kg ốc thịt giá 10.000 đồng, gia đình chị cũng kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày. Công việc nhẹ nhàng hơn bất cứ nghề nào vào mùa lũ, chỉ cần tốn công.

Do vậy, nhiều lao động nhàn rỗi tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, Long An đều có công ăn việc làm ổn định, một số “đầu nậu” ốc tại địa phương vì thế cũng hốt bạc.

Cơ sở thu mua ốc của ông Huỳnh Văn Cư nằm dọc theo quốc lộ 62 đoạn thị xã Kiến Tường (Long An). Chủ đại lý cho biết đã thu mua ốc hơn một năm nay từ các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa đổ về, mùa khô khan hiếm ốc thì giá cao hơn một chút so với mùa nước nổi. Mỗi ngày tại đây thu mua trung bình khoảng năm tấn ốc thịt. Do số lượng ốc lớn, mỗi ngày gần 20 lao động địa phương tại cơ sở này rửa ốc để cho vào hộp đông lạnh. Mỗi ký ốc mua từ người dân, chủ cơ sở sang tay lại cho thương lái khác với giá chênh lệch cao hơn 5.000-6.000 đồng/kg.

Theo ước tính, khu vực năm huyện Đồng Tháp Mười gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa có đến vài chục cơ sở thu mua ốc lớn, nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Lân, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Long An), cho biết vẫn chưa nghe thông tin người nước ngoài thu mua ốc bươu vàng. Tuy nhiên, chuyện người dân vì lợi nhuận trước mắt mà có thể nuôi ốc để bán là khả năng dễ xảy ra.

Còn tại Bạc Liêu, khoảng một tháng trở lại đây xuất hiện hiện tượng thương lái ồ ạt gom mua ốc bươu vàng bán ra ngoài tỉnh với giá khá cao.

Chỉ tính riêng xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long hiện có khoảng 300 người đi bắt ốc bươu vàng. Thời điểm hiện tại, một người có thể bắt được hàng chục ký ốc mỗi đêm. Với giá bán 15.000 đồng/kg thì một ngày nông dân thu nhập trên 200.000 đồng. Đây được xem là nguồn thu nhập khá đối với nhiều gia đình trong lúc nông nhàn.

Việc người dân đi bắt ốc bươu vàng ngoài đồng trước mắt là góp phần tiêu diệt và làm hạn chế sự phá hoại mùa màng của loài sinh vật có hại này. Tuy nhiên, ốc được bán đi đâu, dùng để làm gì thì bà con hoàn toàn không biết.

Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân không nên đổ xô nuôi ốc bươu vàng giống như nuôi đỉa, trồng bần ổi, khoai mì bán lá… đến khi thương lái ngừng thu mua hoặc giá bị rớt xuống thấp thì thiệt hại vẫn thuộc về người nuôi.

Đã có người nuôi… ốc bươu vàng

Cách đây không lâu, một hộ dân tại xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa, Long An) đến chi cục xin đăng ký… nuôi ốc để lấy trứng nhân giống. Nhờ vậy mà chi cục mới phát hiện hộ này nuôi ốc bươu vàng trong ao đã lâu (dự định xin giấy tờ hợp thức hóa) nên đã kịp thời ngăn chặn. Thực tế để kiểm tra chuyện người dân có nuôi ốc để bán hay không là vô cùng khó bởi đặc trưng nhiều ao hồ của vùng Đồng Tháp Mười. Dù vậy, sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra để nếu có sẽ phát hiện kịp thời. Người dân cũng không nên vì lợi ích trước mắt mà nuôi ốc với bất cứ hình thức nào.

Ông NGUYỄN VĂN LÂN, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Long An

Chuyện người dân tham gia bắt ốc là tốt vì vừa có thu nhập, vừa giảm bớt lượng ốc nhiều như hiện nay. Thời gian trước ở địa phương, ốc bắt bán cho các hộ nuôi cá lóc hay làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, gần đây ốc lại có giá khá cao, thương lái thu mua với số lượng lớn, không rõ là do ai mua và mua để làm gì.

Ông TRẦN TẤN TÀI, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng, Long An

TẤN QUỐC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm