LTS: Khi hàng triệu người dân TP.HCM đang hân hoan chuẩn bị đón tết 2021 thì dịch COVID-19 bùng lên lần thứ ba, mọi kế hoạch bịđảo lộn. Hơn 30 địa chỉ khẩn cấp được phong tỏa, hàng ngàn người phải cách ly.
TP đông dân nhất cả nước nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình dịch được cơ bản kiểm soát. Điều kỳ diệu ấy được làm nên không chỉ bởi hàng trăm, hàng ngàn con người trên tuyến đầu chống dịch mà còn bởi những người dân bình dị: Chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình, ăn tết xa quê… Nhân dịp tết Nguyên đán 2022, mời bạn đọc cùng nhớ về cái tết đặc biệt của người Sài Gòn.
Ngày 23-2-2021 (tức ngày 12-1 âm lịch), chung cư Carillon (quận Tân Bình) là điểm cuối cùng ở TP.HCM được dỡ bỏ lệnh cách ly.
Trở lại nơi đây sau gần một năm, không khí tết đang ngập tràn. Những ngày cận tết Nhâm Dần, ông Hoàng Trọng Hưng (77 tuổi), thành viên ban quản trị tòa nhà, dậy từ 5 giờ để đi mua đồ trang trí chung cư đón tết. Một năm đã đi qua, nhớ lại ông vẫn thấy rưng rưng. Chuyện mới như hôm qua bởi lô F của chung cư này với 250 hộ dân bị phong tỏa từ đêm 27 tết. Nhân viên giám sát hàng hóa của Vietnam Airlines được phát hiện nhiễm bệnh ở nơi này.
Không có dịch thì còn vui hơn nữa
“250 căn hộ bị phong tỏa, có gia đình phải hủy 6-7 vé máy bay. Những người mua vé giá cao thì xin xác nhận của tòa nhà để hoàn hoặc đổi vé. Mua vé giá rẻ thì mất hết. Những ngày cận tết, thực phẩm là cả vấn đề. Có nhiều gia đình chưa kịp sắm sửa, chúng tôi phải cử tám người liên tục túc trực đi mua giùm bà con. Nhiều khi có người chỉ thèm ly cà phê, chúng tôi vẫn đi mua giùm” - ông Hưng trầm ngâm nhớ lại.
Chỉ ra góc xa xa, ông bảo chỗ đó vốn là gian hội chợ tết cho bà con vui xuân. Ở đó từng có những căn nhà lá được dựng lên giống như ở đường hoa Nguyễn Huệ. Ai dè dịch bùng cận tết, hội chợ cũng hủy nốt.
Dỡ bỏ lệnh cách ly tại chung cư Carillon, điểm cách ly cuối cùng tại TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM
“Mọi năm 12 giờ đêm, cả trăm hộ dân của chung cư thức cúng, đón giao thừa cùng nhau. Tết năm ngoái dịch bệnh, chung cư bị phong tỏa, không cúng được, ai ở nhà nấy. Nhưng chúng tôi vẫn trang trí ở sảnh, có hoa mai… Chúng tôi cũng ráng có cặp bánh chưng tặng mỗi gia đình. Với những hộ có người lớn tuổi, chúng tôi chúc tết gửi lì xì mỗi cụ 200.000 đồng để động viên tinh thần, chúc các cụ sống vui, sống khỏe. Tết không có dịch còn vui nữa!” - ông Hưng cười, kéo cao khẩu trang lên trò chuyện.
Anh Trần Nhân Hoàng là đội trưởng tổ bảo vệ của tòa nhà. Quê anh ở Đắk Lắk, cách Sài Gòn chừng 400 km, một đêm ngủ trên xe là về tới nhà. Cha mẹ đã lớn tuổi, năm ấy cả năm trời anh chưa về nhà nên quyết về sớm đón tết cùng hai cụ. Nào ngờ dịch bùng phát, anh Hoàng quyết định ở lại. “Biết đâu mình nhiễm bệnh, về còn ảnh hưởng tới người thân và những người xung quanh. Tôi gọi điện thoại chúc tết ông bà, hẹn cha mẹ, đợi ngơi dịch con về. Ngày nhận tin lô F chung cư sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa, anh em mừng lắm, đỡ lo phần nào” - anh Hoàng cười.
Gần 11 giờ ngày 23-2-2021, đại diện UBND phường 13, quận Tân Bình, công an, ban quản trị tòa nhà có mặt ở tầng 15 để chính thức bỏ lệnh phong tỏa.
Ngày hôm ấy, vừa bước ra từ thang máy, ông Hưng mặc áo sơmi, quần đùi đứng ngoài hàng dây giăng kín reo lớn: “Được dỡ bỏ lệnh cách ly rồi bà con ơi!”, “Bà con ơi! Ra đón tết!”. Cửa vài căn hộ bật mở, số người túa ra cứ đông dần lên, họ reo lớn: “Ăn tết nào!”, “Tết đến rồi”. Dù hôm đó đã là 12-1 âm lịch. Số hộ dân ở đây không nhiều bởi có không ít gia đình đi cách ly tập trung chưa về.
Ông Cao Văn Khái lẫm chẫm bước ra ngoài cửa khi nghe tiếng người cười nói xôn xao. Cả sáng hôm ấy, ông chẳng nhớ mình ngó ra cửa bao nhiêu lần. Ông đã ngoài 75, bị ung thư phổi giai đoạn cuối, ra vào viện đều như cơm bữa. Khi cả tầng 15 bị phong tỏa, hai tuần rồi ông chưa đi khám bệnh lấy thuốc được. “Ông ở nhà thôi, ra ngoài ảnh hưởng mọi người sao. Ông lớn tuổi, bệnh nền nhiều, đi ra ngoài mùa dịch cũng chẳng an toàn. Thôi đợi hết lệnh phong tỏa rồi đi khám” - ông Khái cười xòa xoa lên mái đầu chẳng còn sợi tóc.
Đây là cái tết đầu tiên vợ chồng ông Cao Văn Khái đón tết riêng của hai người. Ảnh: MINH TÂM
Ông bà ở riêng với nhau, các con cũng ở gần đấy, ngày nào ông bà chẳng đi bộ ghé thăm cháu. Ông bệnh vậy nên tết hai vợ chồng cũng chẳng tính đi đâu. Các con có đi chơi thì ông bà qua nhà trông cháu thôi. Nhưng tết năm ngoái đúng là đặc biệt thật. Cái tết đầu tiên chỉ có hai vợ chồng.
“Tối hôm đó tầm 21-22 giờ, bà đang xem tivi, đợi cô cháu gái ghé thăm. Nhưng cháu gọi điện thoại lên báo chung cư bị phong tỏa, không lên được nên phải về. Bà ra ngoài thấy mọi người bảo nhau lên lại vì không được xuống nữa. Lúc này bà mới để ý loa phát thanh của chung cư đang phát thông báo, chung cư có một ca nhiễm COVID-19” - bà Phạm Thị Dung (72 tuổi) nhìn chồng cười hồn hậu.
Hai ông bà đã tính 29, 30 tết mới đi sắm tết, ai dè tối 27 bị phong tỏa. Mấy hôm tết, bị cách ly, bà ráng nằm thêm chút nữa, chứ dậy cũng chẳng biết làm gì. Vậy mà sáng hôm ấy, có ráng nhắm mắt cũng chẳng ngủ được. Bà dậy nấu cơm, rồi đợi. “Đồ ăn có các con tiếp tế, còn có cặp bánh chưng ban quản trị tòa nhà gửi tặng và lì xì mỗi ông bà 200.000 đồng. 14 ngày cách ly thôi mà như cả năm trời. May mà còn có ông” - bà cười.
Ông Bùi Hữu Trường (49 tuổi), Trưởng ban quản lý chung cư, rổn rảng kể chuyện tết Nhâm Dần năm nay mọi người sẽ trang trí tiểu cảnh ở sảnh tòa nhà quanh khu vực chung cư, giống như thôn quê vậy: có bánh chưng, hoa mai, hoa đào, gợi không khí tết ở vùng quê… cho những người xa quê đỡ nhớ nhà, cho những em nhỏ biết tết quê nó là như vậy. “Vẫn phải đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng năm nay an toàn hơn, đỡ lo hơn rồi, người dân chung cư cơ bản tiêm đủ ba mũi vaccine, mũi 3 đang vét…”.
Bài 2: Tang lễ ở Mã Lạng ngày mồng 1 Tết