Thợ ảnh dạo ở Sơn Trà...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỗi tấm ảnh được in ra, anh Huỳnh Ngọc Lĩnh đều đưa lên cao ngắm nghía thật kỹ, ưng ý mới cẩn thận bỏ vào túi nylon nhỏ, tấm bị lỗi thì để gọn một bên. Chừng 5 phút sau, nhóm khách đến từ Bà Rịa- Vũng Tàu đã có thể chuyền tay nhau những tấm ảnh ưng ý nhất. Họ đề nghị thợ ảnh gửi thêm file ảnh vào Zalo để làm kỷ niệm, anh vui vẻ nhận lời ngay.

 Anh Huỳnh Ngọc Lĩnh xem lại những tấm ảnh cũ trong lúc chờ khách.
Ảnh: T.AN

Mê tiếng “tạch tạch” 

Xong xuôi, anh Lĩnh khẩn khoản mời đôi bạn trẻ chụp ảnh nhưng họ chỉ tay vào chiếc điện thoại rồi từ chối. Anh buồn buồn, xách máy ảnh cũ ra ghế đá ngồi chờ khách.

Người đàn ông ấy đã gắn với nghề chụp ảnh dạo tại các điểm du lịch ở Đà Nẵng được gần 20 năm. Mê những tiếng bấm “tạch tạch” của máy ảnh từ khi còn là cậu học sinh ốm nhách nhưng xưa nhà anh nghèo quá, chụp ảnh là điều gì đó xa xỉ.

“Hồi đó tôi có một nhóm bạn chơi thân, con nhà giàu. Ngày chia tay cuối cấp, mọi người hớn hở chụp ảnh kỷ niệm, còn mình thì lủi thủi đứng một góc vì không có tiền. Lúc đó tôi rất ấm ức nên nghĩ bụng kiểu gì sau này cũng phải làm nghề chụp ảnh cho bõ tức” - anh Lĩnh bật cười khi nhớ lại cơ duyên gắn với nghề này.

Những vị khách du lịch nhận được những tấm ảnh ưng ý từ bác thợ ảnh. Ảnh: T.AN 

Tốt nghiệp cấp 3, anh theo người quen ra quê mẹ ở Hải Phòng vừa học chụp ảnh vừa học ngành quản trị du lịch. Những năm 1990, thợ ảnh dùng máy chụp bằng phim nên trước khi chụp phải căn chỉnh ánh sáng, tính toán bố cục thật kỹ, chừng nào ưng ý rồi mới bấm máy. Những ngày đầu cầm máy, anh chụp hư không ít nhưng càng như thế anh càng say sưa, tìm tòi với mục tiêu tấm ảnh sau phải tốt hơn tấm ảnh trước.

Anh Lĩnh nhớ mãi một ngày mùa đông năm 1992, trời rét căm căm, anh cứ ngồi co ro ở bãi biển Đồ Sơn chờ đón khách, bụng thì đói cồn cào mà chưa chụp được tấm ảnh nào. Một cặp đôi người Hà Nội thấy tội nghiệp anh nên ngỏ ý mời anh vào một nhà hàng, họ gọi một nồi lẩu lớn rồi cùng nhau ăn uống vui vẻ. Xong xuôi, hai người còn “đặt hàng” anh chụp hết cuộn phim với hơn 30 tấm ảnh.

“Những ngày khó khăn đó thật khó quên! Người đàn ông ấy hơn 30 tuổi, còn cô gái mới đôi mươi, da trắng, cao ráo, có thể bây giờ họ không còn ở Việt Nam nữa. Tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ đến Đà Nẵng du lịch và chúng tôi còn duyên để gặp lại nhau” - anh Lĩnh cười.

Vài năm sau, anh Lĩnh về Đà Nẵng và đi chụp dạo ở các điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà. Anh bảo xưa chụp được tấm ảnh quý lắm, không như bây giờ. Khách chủ yếu là công nhân và người địa phương nhưng chụp cực kỳ “đã tay” vì nhu cầu rất nhiều, nhất là vào những ngày lễ, tết. Mỗi lần chụp xong, anh phải chạy 7 km để rửa ảnh, khách chờ được thì bớt cực, còn không thì anh lưu địa chỉ rồi đem đến tận nhà cho họ. Bao lần anh cũng “méo mặt” vì rửa ra cả xấp ảnh mà không tìm được người thuê chụp do trễ hẹn.

Cầm sổ hồng mua máy ảnh

Một trong những “tai nạn nghề nghiệp” đó là lần chụp 10 tấm ảnh cho một gia đình ở Bãi Rạng. “Tôi hẹn 60 phút sẽ giao ảnh nhưng lúc quay lại không thấy họ đâu cả. Nghe mọi người bảo họ đến một nhà hàng ở đường Nguyễn Tất Thành nên tôi chạy xe đi tìm. Chạy tới chạy lui mà không thấy, vừa đói vừa mệt nên hôm đó coi như tôi mất cả chì lẫn chài. Tôi vẫn luôn mang theo xấp ảnh khi đi làm với hy vọng tìm được chủ nhân của nó. Và hai năm sau, tôi vô tình gặp lại họ ở đúng địa điểm cũ. Hóa ra hồi đó vợ chồng họ cãi nhau nên cô vợ giận dỗi bỏ về, quên luôn anh thợ ảnh. Sau khi nhớ ra thì họ vui vẻ nhận ảnh và gửi tôi tiền công” - anh Lĩnh kể.

Cũng từ lần đó, anh nhận ra máy chụp phim không còn phù hợp vì nhu cầu của khách dần chuyển sang chụp ảnh lấy ngay. Anh bàn với vợ đem cầm sổ hồng để đầu tư máy ảnh Nikon D90, thời điểm năm 2008 có giá hơn 23 triệu đồng.

“Nhiều lúc thấy mình liều vì nó là khoản tiền rất lớn với gia đình lúc bấy giờ. Nhưng tôi thấy tiềm năng nên quyết làm, nghề ảnh khi đó được ưa chuộng nên chỉ hai năm sau là lấy được vốn chứ không ế như bây giờ. Gần như ai cũng có điện thoại thông minh, nhiều người sắm máy ảnh còn xịn hơn mình nữa nên thợ ảnh cũng hết đất diễn. Mình giờ giống như thợ săn vậy, cứ đi chụp trộm rồi đưa cho người ta xem, họ ưng ý thì lấy hoặc cao hứng thì đặt mình chụp thêm” - anh Lĩnh cười buồn. 

Cả nhà chụp ảnh mưu sinh

Cầm trên tay xấp ảnh, bà Bùi Thị Diệu (62 tuổi) liên tục mời chào khách nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. “Nghề ni như đi câu cá rứa đó! Bữa mô hên hên, khách vui thì mình chụp được nhiều, còn xui thì ế ẩm cả ngày. Từ sáng đến giờ hai chị em tui mới chụp được bốn tấm hình”- bà cười buồn.

Cả gia đình bà Diệu đều là thợ ảnh, chồng chụp ở chùa Linh Ứng trên Sơn Trà, con trai chuyên về ảnh cưới, còn bà gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn gần 40 năm nay. Hiện kinh tế gia đình tuy đã ổn nhưng ngày ngày ông bà vẫn xách máy đi chụp cho khuây khỏa và đỡ nhớ nghề.

"Tui hơn 60 tuổi rồi, chỉ lo mấy nữa không có sức đi chụp ảnh cùng mọi người nữa thì buồn lắm"- bà Diệu chia sẻ. Ảnh: T.AN 

“Trước trên ni có hơn 30 thợ chụp mà giờ lớn tuổi nên nghỉ dần, máy móc chất đống vì ế khách quá. Nhiều khi tôi cứ bần thần nhớ lại ngày xưa, hồi nớ mà cầm máy ảnh đi chụp là… ngầu lắm đó. Hai năm ni dịch, nghỉ ở nhà miết nên nhớ nghề lắm, hết giãn cách là mấy chị em lên chụp được tấm mô thì chụp, còn không thì ngồi tâm sự cả ngày rứa. Tui đang lo mấy nữa không còn sức đi nữa thì buồn lắm!”- bà tâm tình.

Chị Trần Tuyết Nga (54 tuổi) bảo dịch bệnh bùng phát hơn hai năm qua khiến cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên mấy hôm nay thấy khách du lịch bắt đầu quay lại Đà Nẵng thì trong lòng chị phấn khởi lắm.

“Tui rất mừng vì du lịch đang trở lại, thấy khách tíu tít đi ra đi vô là mình vui rồi. Hy vọng năm nay sẽ tươi sáng hơn chút, có thêm nhiều khách trong và ngoài nước ghé thăm thành phố để tụi tui có nhiều việc hơn”- chị Nga chia sẻ.

Sau khi thuê thợ chụp xong tấm ảnh, chị Huỳnh Thị Ngọc Lan (54 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, đây là lần thứ ba chị đến thăm chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, lần nào cũng nhờ thợ chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm.

“Bữa nay tôi dẫn bạn từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên tham quan chùa. Tôi có điện thoại nhưng thấy chụp không đẹp bằng thợ ảnh. Họ nhiệt tình, làm nhanh mà đàng hoàng, chụp cái nào thật ưng mới in ra chứ không có làm ẩu. Ví như cái ảnh ni, vì không lấy hết cổng chùa nên bác thợ ảnh kêu mọi người chụp lại. Tôi rất hài lòng và sẽ treo mấy tấm hình ni ở phòng khách để khoe với mọi người”- chị Lan cười.

Nuối tiếc thời hoàng kim

Nhiều khi tôi cứ nuối tiếc mãi về thời hoàng kim của nghề chụp ảnh. Nhớ nhất là những ngày còn dùng máy ảnh chụp bằng phim, ảnh có tính nghệ thuật cao hơn máy ảnh số. Máy ảnh số giờ được hỗ trợ nhiều quá nên tấm nào cũng đều đều, không có nhiều sự tính toán, sáng tạo của người chụp. Cái nghề là cái nghiệp, mình đã yêu rồi thì theo miết thôi.

Anh thợ ảnh HUỲNH NGỌC LĨNH 
 

Lập tổ chụp ảnh và chia đều thu nhập

Bà Mai Thị Được (58 tuổi, một thợ ảnh) bảo trên chùa Linh Ứng có hơn 20 thợ ảnh, chia thành ba tổ ở những khu vực khác nhau để mời khách. Họ hầu hết đã lớn tuổi, vài người làm nghề vì đam mê, còn chủ yếu vì mưu sinh. Hằng ngày, các thành viên làm việc từ 7 giờ đến 18 giờ, chụp được bao nhiêu thì cuối buổi chia đều cho từng người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm