Với mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19, từ 9-8, TP Cần Thơ triển khai chiến dịch lấy mẫu test nhanh công đồng cho hơn 1,2 triệu dân, quyết tâm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm đưa thành phố sang trạng thái bình thường mới.
Để thực hiện được chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm toàn dân, thành phố đã huy động mọi nguồn lực từ các nhân viên, cán bộ y tế. Hàng ngàn sinh viên các trường y trên địa bàn cũng góp sức hỗ trợ công tác lấy mẫu cộng đồng. Từ các tuyến phố trung tâm đến các vùng quê, bất kể mưa hay nắng các chiến binh vẫn miệt mài nơi tuyến đầu chống dịch.
Nếu sợ đã không tham gia
Trao đổi qua điện thoại với PLO, em Lý Huyền Trân (sinh viên năm 4, ngành Y Đa khoa Trường Đại học Y dược Cần Thơ) cho biết em và các đồng đội vừa hoàn thành công tác ngày lấy xét nghiệm nhanh tại ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền.
Trân cho biết khi miền Tây phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, Trân đã có ý định tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch, nhưng do còn còn bận học và thiên nên chưa thể tham gia ngay. Vào đầu tháng 8, khi Trường kêu gọi sinh viên tham gia công tác lấy mẫu cộng đồng, Trân không chần chừ, đã đăng ký tham gia ngay.
“Đăng ký xong em mới gọi thông báo cho cha mẹ. Lúc này cha mẹ cũng lo lắng lắm vì từ nhỏ tới giờ em hay bệnh tùm lum. Em cũng xin lỗi, rồi động viên cha mẹ. Lúc xếp hành trang thì mẹ nhắn cho em cái tin làm em rất xúc động và càng thêm có động lực. Mẹ nhắn là “Đó là một công việc thiêng liêng, con nhớ giữ gìn sức khỏe, bảo hộ tốt cho mình mới có thể giúp được mọi người. Lúc nào mẹ cũng đứng phía sau chờ con hết”.
Lý Huyền Trân, sinh viên năm 4, ngành Y Đa khoa Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Ảnh: NVCC
Em Lý Huyền Trân cùng các đồng đội tham gia chiến dịch test nhanh cộng đồng tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: NVCC
Vậy là Trân cùng khoảng 1000 sinh viên tình nguyện của trường Đại học Y dược Cần Thơ lên đường, bắt đầu chiến dịch khoanh vùng vùng đỏ, mở rộng vùng xanh.
Khi được hỏi có sợ không? Trân cười đáp “Nếu sợ em đã không đi rồi. Tụi em được tập huấn kỹ lắm. Nói về nguy hiểm thì các bạn, nhân viên y tế ở bệnh viện dã chiến nguy hiểm hơn, vất vả hơn nhiều. Tình hình dịch đang rất cam ro, với tư cách là một công dân, và hơn nữa là một nhân viên y tế tương lai em càng phải tham gia. Đợt dịch này cũng giúp em học hỏi được nhiều kiến thức quý giá từ các anh chị, bạn bè” – Trân tâm sự.
Sinh nhật đặc biệt
Trân cùng 3 sinh viên khác được phân công lấy mẫu test ở xã Nhơn Nghĩa đến nay. Chia sẻ về công việc của mình, Trân cho biết do công việc của em và đồng đội bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng từ 5 giờ sáng các em đã phải thức dậy chuẩn bị và di chuyển đến các địa bàn. Để đảm bảo an toàn, tránh lây chéo trong quá trình lấy mẫu, các em phải luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, mặc đồ bảo hộ suốt thời gian làm việc, thậm chí không thể tháo khẩu trang để uống nước bất kể mưa, nắng. Trân cho biết những ngày đầu tham gia đã có những lúc em kiệt sức, sắp gục ngã.
Lý Huyền Trân hỗ trợ lấy mẫu test nhanh COVID-19. Ảnh: NVCC
“Buổi sáng em tiêm vaccine mũi 1 là chiều tụi em xuất quân luôn. Em biết là công việc rất khó khăn và chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng khi vào thực tế thì vượt quá mức tưởng tượng. Lúc mới đầu mặc đồ bảo hộ suốt người em ướt sũng, nóng khát đến mức muốn xỉu, nước mắt rơi, chỉ ước được về với vòng tay mẹ. Nhưng khi nghĩ đến tình hình dịch bệnh nguy hiểm, nếu em gục ngã thì đồng đội em sẽ không ai, ảnh hưởng đến công tác chung nên em cố gắng vượt qua. Và đến hôm nay em đã rất tự hào vì mình đã vượt qua chính mình và được tham gia góp chút sức của mình vì một “Cần Thơ xanh” sắp tới” – Trân chia sẻ.
Qua trao đổi thì được biết hôm nay cũng chính là sinh nhật của Trân. Do bận học và ảnh hưởng dịch COVID-19, đã hơn 6 tháng nay Trân chưa được về thăm cha mẹ ở TP Cao Lãnh và đón sinh nhật trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Lý Huyền Trân đang ghi thông tin các trường hợp lấy mẫu test. Ảnh: NVCC
“Không được đón sinh nhật cùng gia đình, bạn bè nhưng em nhận được rất nhiều lời chúc, động viên của bạn bè và đặc biệt là bài thơ động viên do mẹ em viết. Cảm ơn tất cả những tình cảm của mọi người dành cho em và tất cả các bạn ở tuyến đầu. Ba mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ nhé. Cho con thêm ít ngày, con và đồng đội của con sẽ mang màu áo xanh tươi về cho đất nước, cho Cần Thơ” – Trân nhắn gửi.
PLO xin trích lại toàn văn Thư gửi ba mẹ từ tuyến đầu chống dịch của sinh viên Lý Huyền Trân:
“Kính thưa ba mẹ!
Con là cô bé đỏ hỏn nặng 2,2 kg sinh non ngày tháng của ba mẹ đây. Con là đứa con mà ba mẹ phải cầu xin Trời Phật, viếng chùa lạy miễu khắp nơi để chờ ngày con xuất hiện trong đời. Đứa con gái mà mẹ luôn bảo ăn nhiều vào vì con yếu ớt lại hay bệnh vặt. Từ ngày con rời quê mình lên Cần Thơ học tập, một năm về nhà đôi ba lần nhưng cũng chỉ vỏn vẹn vài ngày. Con đã thấy tóc ba thêm nhiều sợi bạc, con càng xót xa khi thấy mẹ thêm nhiều nếp nhăn. Đôi bàn tay chai sần quý giá của Ba Mẹ là từng ấy tháng năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Tự bao giờ những bữa cơm canh đủ đầy chẳng còn một tay con bưng rót, mái tóc bạc của ba dày dặn nhưng không có con kề bên để ba kêu nhổ tóc rồi con lại sẽ trả giá kì kèo 100-200đ một cọng. Có những ngày mẹ bật khóc vì thương nhớ con. Có những đêm ba trọc trằn vì lo con nơi xa cô quạnh.
Ngày con đi, con chỉ gọi nói một câu: “Thưa ba mẹ, con đi.” Con xin lỗi vì chưa nhận được sự đồng ý của đấng sinh thành đã “lao thân vào đạn lửa” như mẹ từng nói. Nhưng mẹ ơi, con chỉ là hạt cát bé xíu, việc con làm chẳng xá gì với anh chị Bác Sĩ đang đấu tranh điều trị tiêu tan tên phản tặc Covid hoành hành. Con của tuổi 21 chẳng sợ hãi điều gì, con phải làm, con làm bằng tất cả những gì con có. Cái khát vọng tiêu trừ cơn đại dịch nó bành trướng trong trí não con đến mức xé toạc cái lớp vỏ bao bọc an toàn mà tình thân đã bảo vệ con suốt hơn 20 năm qua. Con phải đi, vì một ngày sớm nhất con được về thăm ba mẹ. Con đi, là để vượt qua chính bản thân mình.
Lý Huyền Trân cùng mẹ thân thiết với nhau như bạn bè. Ảnh: NVCC
Con xin lỗi vì xa quê khiến mọi người nhớ mong, lo lắng cho đứa nhỏ này. Nhưng ba mẹ ơi, con của Người đang ngày một trưởng thành từng ngày. Con sẽ tự đứng vững trên đôi chân của mình. Những kiến thức chuyên môn vững chãi được nhà trường trang bị, con tin rằng bản thân và đồng đội của con sẽ luôn khoẻ mạnh, luôn vững tin hoàn thành tốt công tác được giao. Công việc vất vả, nhọc nhằn giữa cái nắng hè gắt gỏng không tránh khỏi mệt mỏi ghì nặng trên vai. Có những lần đuối sức đến rơi nước mắt, con lại ước trở về bên vòng tay mẹ hay nằm yên vị trên cái võng à ơi của bà ngoại ngày xưa. Nhưng con phải học cách kiên cường, phải vững chãi như bàn thạch, phải một lòng nắm tay cùng đồng đội, vì trái tim của bọn con chung một chí hướng - Diệt trừ đại dịch, đem lại ánh sáng tươi màu cho Tổ quốc ta.
Con cảm ơn ba mẹ, cảm ơn anh chị em, cảm ơn gia đình mình luôn ở cạnh ủng hộ từng bước chân non nớt của con. Cảm ơn những lời nhắc nhở chân tình. Cảm ơn những cuộc gọi hỏi thăm vội vàng vì sốt ruột. Cảm ơn tất cả những tình cảm của mọi người dành cho con cũng như là tất cả các bạn ở tuyến đầu.
Trong bài thơ Có một Cần Thơ như thế, con viết: “Phục vụ dân, phục vụ nước, phụ nhà.” Vì sức khỏe của toàn xã hội nói chung và của gia đình mình nói riêng, con đành phải bỏ quên sự hỏi han săn sóc dành cho gia đình. Ba mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ nhé. Cho con thêm ít ngày, con và đồng đội của con sẽ mang màu áo xanh tươi về cho đất nước, cho Cần Thơ. Hãy vững tin ở chúng con!
Con gái của ba mẹ!
Và bài thơ mẹ viết tặng con gái Lý Huyền Trân:
TIẾNG LÒNG CON GÁI TÔI
TRONG NHỮNG NGÀY CHỐNG DỊCH
Sinh nhật không bạn bè, không bánh kem
Thế mà con gái tôi, chẳng thèm phiền
Gái bảo: “Con bận phiền vi rút Delta”
Nó gieo bao thảm khóc đến mọi nhà
Nó khiến bao trẻ khóc mồ côi cha
Bao phố phường vắng lặng, tiếng nô đùa
Nó đáng sợ hơn nguyên tử, hạt nhân
Không cúi đầu trước vi rút Delta
Con đang cùng mọi người lo chống dịch
Nhiệm vụ của con là tìm ra kẻ địch
Để binh đoàn áo trắng đập chết Delta
Mỗi ngày đi test con thành khẩn A-di- đà
Mong sau cho nạn dịch sớm trôi qua
Quê hương tôi ngân vang tiếng hát ca
Lúc đó con thỏa thích cười khà khà...