TP.HCM: 16 quận huyện có F0, F1 liên quan 25 ca dương tính mới

Sáng 27-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn sau khi phát hiện 25 ca dương tính với với virus SARS-CoV-2 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp).

Ngành y tế TP.HCM đang lập danh sách điều tra liên quan 13 ca nghi nhiễm COVID-19 ở Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Ảnh: MINH TÂM

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong thời gian chờ xét nghiệm ca nghi nhiễm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã phát hiện thêm 2 trường hợp nghi nhiễm.

Cả ba trường hợp nghi nhiễm này đều sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng.

Theo ông Dũng, trong danh sách đăng ký sinh hoạt có 24 người, trong đó có 4 người ở cùng một gia đình ở Gò Vấp. Tuy nhiên, số lượng người tham gia sinh hoạt có thể nhiều hơn. “Bởi vì có thành viên đăng ký đưa thêm người trong gia đình đi sinh hoạt” – ông Dũng nói.

Từ ba ca nghi nhiễm đó, lực lượng chức năng đã triển khai truy vết ngay trong đêm trên địa bàn 8 quận, huyện có thành viên nhóm này. Từ hơn 120 mẫu xét nghiệm đã phát hiện 25 trường hợp nghi nhiễm ở 6 quận huyện.

“Mức độ lây nhiễm của chuỗi lây nhiễm này rất cao, có khả năng mầm bệnh đã xuất hiện trước đây, có khả năng lây lan trong cộng đồng” – ông Dũng nói.

Qua truy vết, cơ quan chức năng đã phát hiện 25 ca nghi nhiễm; 16 quận, huyện có F0, F1 liên quan điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng có khuôn viên rất chật hẹp, trong ngõ hẽm. Qua quá trình điều tra truy vết, cả gia đình ông trưởng Hội thánh này gồm 4 người đều có kết quả dương tính.

“Những tín đồ này hội họp trong môi trường chật hẹp như thế nên hầu như những người tham gia sinh hoạt đều dương tính hết” - ông Bỉnh nói.

Từ đó, ông Bỉnh đề nghị Công an TP.HCM và Ban Tôn giáo TP.HCM rà soát xem địa điểm này có giấy phép hoạt động chính thức tại TP.HCM hay không.

Cùng với đó, ông cũng đề xuất tạm thời dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo thay vì trước đây cho phép sinh hoạt tôn giáo dưới 20 người vì nhiều cơ sở, điểm sinh hoạt tôn giáo quá chật hẹp, không đảm bảo an toàn.

Để phòng dịch tốt hơn, Giám đốc Sở Y tế còn đề nghị ngoài các dịch vụ không thiết yếu đã được UBND TP cho dừng hoạt động trước đây, cần bổ sung dừng thêm các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ; cấm tập trung quá 10 người nơi công cộng.

“Đối với các hàng quán nhỏ nơi nào không thực hiện theo yêu cầu của UBND TP thì đề nghị phạt và ngưng hoạt động luôn, chứ không nhắc nhở nữa” - ông Bỉnh nói.

Hiện cơ quan chức năng đang dồn lực truy vết các trường hợp liên quan. Do vậy, ông Bỉnh lưu ý người dân tốt nhất không nên ra khỏi nhà nếu không cần thiết, đồng thời hạn chế đi lại giữa các địa phương vì nhiều quận huyện đã xuất hiện dịch.

Chưa xác định được nguồn lây

Ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết việc sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng được cấp phép theo quy định pháp luật.

Trên địa bàn TP.HCM có 145 điểm, nhóm sinh hoạt giống như Hội thánh truyền giáo Phục hưng.

Cụ thể, Hội thánh này được UBND phường 3, quận Gò Vấp cấp phép sinh hoạt từ năm 2006. Số thành viên đăng ký trước đây là 60 người.

Tuy nhiên, sau một thời gian sinh hoạt, số thành viên giảm dần, hiện chỉ có 28 người đăng ký sinh hoạt.

Qua trao đổi với mục sư đại diện cho Hội thánh truyền giáo Phục hưng, ông Tân nói: "Người này cho biết từ khi có công văn về phòng chống dịch của UBND TP, mục sư không đi truyền giáo bên ngoài, không tiếp cận người nước ngoài cũng như tín đồ nước ngoài".

Chính vì vậy, đến nay chưa xác định được nguồn lây nhiễm ban đầu.

16 địa phương ở TP.HCM có liên quan ổ dịch này gồm:

TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm