Từ 1-9: Trêu ghẹo người khác bị phạt gấp đôi

Hôm nay (1-9), Nghị định 73/2010 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội (thay thế Nghị định 150/2005) sẽ có hiệu lực. Theo đó, có nhiều vi phạm được điều chỉnh mức phạt tăng gấp đôi so với trước đây.

Cụ thể, đối với hành vi ảnh hưởng đến việc giữ vệ sinh môi trường như đổ rác hoặc bất cứ vật gì vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng sẽ bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng (mức phạt trước đây từ 60.000 đến 100.000 đồng). Hành vi vứt rác, xác động vật nơi công cộng, chỗ có vòi nước, ao, giếng người dân sử dụng; tự ý đốt chất thải nguy hiểm nơi công cộng chịu mức phạt tương tự. Theo ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch UBND phường 6, quận 5, TP.HCM, việc tăng mức phạt như vậy là rất hợp lý bởi các hành vi này lâu nay khá phổ biến nhưng mức phạt quá thấp, không đủ răn đe.

Từ 1-9: Trêu ghẹo người khác bị phạt gấp đôi ảnh 1

Đối với các vi phạm trật tự công cộng như cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; hành vi gây mất trật tự nơi công cộng; thả trâu, bò, ngựa, chó hoặc động vật khác trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng cũng tăng lên từ 100.000 đến 200.000 đồng (mức cũ 60.000-100.000 đồng). Tuy nhiên, cũng giống như Nghị định 150, các hành vi quy định tại nghị định mới vẫn mang tính định tính, mà theo nhiều địa phương là “không có cơ sở, rất khó xử phạt”. “Hai người đang cãi nhau, có lời khiêu khích, thô bạo ngoài đường thì khó mà đến bắt phạt họ được bởi lời nói gió bay, trừ khi hai bên gây gổ ảnh hưởng đến nhiều người, gây mất trật tự phải đưa lên phường xử lý thì lúc ấy mới có thể phạt” - ông Tài dẫn chứng.

Thượng tá Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế (Bộ Công an), lý giải các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội được mô tả nôm na, không thể quy định cụ thể như pháp luật về hình sự. Ông nói: “Bây giờ hỏi “cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu thích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” đến mức độ nào thì bị phạt e rằng cũng khó trả lời. Ngoài ra, trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, có nhiều hành vi không để lại hậu quả, người vi phạm hoàn toàn có thể chối bay chối biến”.

Đáng chú ý, Nghị định 73 đã đưa ra mức phạt khá nặng đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú. Thực tế hiện nay, tại TP.HCM và Hà Nội đang có tình trạng mấy chục nhân khẩu chen chúc vào một hộ khẩu trong khi diện tích của hộ này quá nhỏ. Để khắc phục việc này, nghị định quy định: Các hộ cho thuê, mượn hoặc ở nhờ (nhập nhân khẩu vào hộ khẩu) tại hai thành phố lớn này phải đảm bảo diện tích tối thiểu 5 m2 sàn/người. Hành vi cho người khác nhập hộ khẩu để trục lợi; nhập khẩu vào cùng một chỗ nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu; ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp để nhập hộ khẩu sẽ bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng.

Ngoài ra, các hành vi khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để đăng ký cư trú, cấp sổ hộ khẩu, tạm trú; làm giả hộ khẩu, sổ tạm trú… cũng chịu mức phạt tương tự, tức là gấp đôi mức hiện hành.

Hiện nay, có một số hành vi khá phổ biến và gây bức xúc như hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung; để gia súc, gia cầm phóng uế nơi công cộng; đổ nước ra lòng đường, vỉa hè; không quét dọn rác, khai thông cống rãnh làm mất vệ sinh chung,… Tuy nhiên, mức phạt mới trong Nghị định 73/2010 vẫn y như cũ, từ 60.000 đến 100.000 đồng là chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe.

Ông THÁI NGUYÊN PHƯƠNG, Chủ tịch UBND phường 4, quận 10, TP.HCM

T.HẰNG - Đ.MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm