Ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) có hai làng người Chăm nổi tiếng: Palay Hamuk (làng gốm cổ Bàu Trúc) và Palay Chakling (làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp).
30 năm trước, đó là hai làng nghèo. Những năm chiến tranh và thời bao cấp đã làm thất truyền, mai một ít nhiều hai nghề đặc sắc này. Giờ, hai làng ấy đã hồi sinh, nhiều người khá giả, nhiều người giàu lên nhờ làm gốm, dệt thổ cẩm. Sản phẩm của hai làng đi khắp nơi trong nước và nước ngoài.
Bà Đàng Thị Vệ. Ảnh: VIỄN SỰ
Hai người có công lớn trong việc phục hồi nghề truyền thống và giới thiệu nó đến công chúng ấy, tôi đều biết. Bởi tôi sống ở đấy từ nhỏ tới lớn.
Người phục hồi nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp là bà Thuận Thị Trụ, mẹ của cậu bạn học cùng lớp tôi - Đàng Thuận Hải. Là một cô giáo, bà Trụ (Inra Hani) đã phục hồi nghề dệt từ một xưởng dệt nhỏ với 10 nhân công. Bà tìm đến các bậc cao niên Chăm, đi tận Pháp, tận Nhật sưu tầm những mẫu hoa văn cổ của người Chăm đã thất truyền.
Công ty Thổ cẩm Inra Hani ra đời, những tấm thổ cẩm không còn quanh quẩn tiêu thụ trong cộng đồng Chăm hay chỉ được người làng đưa đi bán ở vùng đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên mà sang tận châu Âu, cung cấp cho các khách hàng lớn ở Malaysia, Indonesia.
Những nhà trưng bày khang trang, những xưởng dệt thủ công rộn rã và lung linh màu sắc hôm nay còn đưa đến cho người Chăm một nguồn thu khác, đó là du khách. Làng Mỹ Nghiệp thành điểm tham quan thú vị của khách du lịch đến Ninh Thuận.
Bà Thuận Thị Trụ, người phụ nữ Chăm từng đi tới các bảo tàng Nhật và Pháp để tìm lại các mẫu hoa văn Chăm, góp phần phục hưng nghề thổ cẩm. Ảnh: VIỄN SỰ
Còn ở làng tôi, làng Bàu Trúc, người đưa gốm Chăm - vốn quanh quẩn với lu trà, lò bánh trở thành gốm mỹ thuật là họa sĩ Sỹ Hoàng.
Anh sinh viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM về thực tập ở làng, sống trong nhà bà Đàng Thị Vệ và được bà nhường cho một căn phòng đơn sơ, trong cái nhà lá mái truyền thống giữa làng Chăm ngày nghèo khó mấy mươi năm trước. Cơm mắm nêm rau dại ăn chung với chủ nhà, chỉ là thêm đũa, thêm chén.
Cái ngày cả nhà bà Đàng Thị Vệ cơm bữa đói bữa no, bà vẫn cưu mang anh học trò nghèo. Lúc bắt xe đò về lại Sài Gòn, bà Vệ dúi vào balô của Sỹ Hoàng một nắm xôi để ăn đi đường. Bà nói mấy tháng rồi con ở đây, bà nhớ quá. “Má thương con như con của má!”.
Người mẹ Chăm từng dúi vào balô Sỹ Hoàng nắm xôi, nói rằng: "Má thương con như con của má!" và chàng sinh viên ngày nào giờ là nhà thiết kế nổi tiếng. Ảnh chụp năm 2011.
Thành danh, Sỹ Hoàng trở lại làng Bàu Trúc, lúc ấy làng vẫn còn nghèo như nhiều năm trước, khi anh về thực tập. Không phải anh sinh viên nghèo ngày xưa mà đã là một nhà thiết kế áo dài.
Anh đặt bà Vệ và những phụ nữ Chăm khác làm 10 sản phẩm gốm do anh tạo mẫu dựa trên các hoa văn truyền thống của người Chăm để trang trí trong một triển lãm áo dài.
Triển lãm thành công, các mẫu áo dài thì còn nhưng 10 sản phẩm gốm thì khách năn nỉ mua hết. Hoàng còn trở lại nhiều lần để cùng với những người đàn bà Chăm như bà Vệ tạo ra các mẫu gốm mới, giám sát và hướng dẫn những người Chăm vốn làm gốm như nghề phụ lúc nông nhàn, trở thành những nghệ nhân đích thực.
Gốm mỹ thuật Chăm làng Bàu Trúc đã hình thành như thế.
Mấy mươi năm trước, không người Bàu Trúc nào nghĩ làng mình rồi sẽ làm những sản phẩm đèn gốm trang trí cho các resort 5 sao. Trong ảnh: Bà Đàng Thị Vệ (bìa phải) và những đèn trang trí chưa nung. Ảnh: VS
Một cái bình gốm cỡ đại ở cơ sở gốm Champa Phú Mỹ Thuận giờ này có giá bằng một xe tải gốm làm theo lỗi cũ. Giờ về làng, khó ai nhận ra cái làng nghèo khó ngày xưa.
Cũng như Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc giờ cũng tấp nập du khách. Gốm Chăm Bàu Trúc giờ có mặt ở hàng trăm khách sạn, resort 5 sao, sang tận nước ngoài. Giữa những đổi thay theo đà chung của xã hội, có phần công lao của Sỹ Hoàng, dù anh không tự mình nói về điều đó.
Gốm Bàu Trúc. Ảnh: VS
Câu chuyện Khải Silk và những lời tuyên bố của anh ta kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, khoe mình đã phục hưng làng Nha Xá (“làm lụa bán cho Hoàng Khải thì chẳng mấy chốc mà giàu”), giờ vỡ ra. Người Nha Xá phản đối nói Khải nói dóc, người tiêu dùng cũng tái tê.
Còn với hai trường hợp trên của họa sĩ Sỹ Hoàng và bà Thuận Thị Trụ, cho dù họ không tự nói về mình thì bạn chỉ cần về Palay Chakling và Palay Hamuk hỏi, các nghệ nhân sẽ kể bạn nghe về hai con người đã góp công phục hưng làng dệt và làng gốm.