Thắp nén hương lên di ảnh người cô ruột là liệt sĩ Hà Thị Sằm, ông Hà Văn Năm cho biết sau khi xuất ngũ về quê ở TP Bắc Kạn vào năm 1988, ông bắt đầu đi tìm người cô của mình nhưng khi đến nơi thì toàn bộ 12 ngôi mộ đã được cất bốc đi nơi khác.
Hai lần quy tập: Một lần mất tên, một lần mất cốt?
Không thấy phần mộ của cô, ông Năm hỏi những người thân nhưng tất cả đều không biết ai đã cất bốc. Bẵng đi một thời gian, vào năm 2008, ông và nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ nhận được thư mời của Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước Bắc Thái 933 - N91 - 92 về dự một cuộc gặp mặt. Tại đây, các gia đình nhận được thông tin các hài cốt liệt sĩ TNXP hy sinh vụ vỡ đập hồ thủy lợi Tân Minh đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông (cũ) trước năm 1980 (hiện nay không tìm thấy hồ sơ quy tập).
Sau đó các gia đình mới tìm đến nhưng trên các bia mộ chỉ ghi liệt sĩ TNXP xã Thanh Vận, không có tên, tuổi. “Chúng tôi gặng hỏi một số người ở Đại đội 933 thì được biết quá trình cất bốc hài cốt ở đồi Nà Cóc về nghĩa trang, các hài cốt được bỏ cẩn thận vào từng tiểu và ghi rõ tên, tuổi. Tuy nhiên, quá trình di chuyển gặp trời mưa nên các tiểu được ghi bằng phấn nhanh chóng bị trôi mất. Những người tham gia quy tập không xác định được tên tuổi các liệt sĩ nên ghi chung như thế” - ông Năm kể.
Từ đó trở đi, ông Năm và nhiều thân nhân liệt sĩ khác cứ ngày 27-7 hay ngày giỗ họ đều đặn đến đây thắp hương cho 13 ngôi mộ liệt sĩ.
Đến năm 1990, sau khi Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ được UBND tỉnh Bắc Thái (năm 1997, tỉnh Bắc Kạn được tách ra từ tỉnh Bắc Thái) nâng cấp, mở rộng, khánh thành và hoạt động (nghĩa trang mới), 13 mộ liệt sĩ được quy tập, di chuyển lần hai từ nghĩa trang liệt sĩ cũ sang nghĩa trang liệt sĩ mới nhưng trong quá trình an táng đã làm mất thông tin (hiện nay không tìm thấy hồ sơ quy tập). Cho đến mới đây mọi người phát hiện bên dưới 13 ngôi mộ đều không có tiểu, không hài cốt.
Như vậy cứ mỗi lần quy tập là một lần những người trực tiếp tham gia quy tập làm mất toàn bộ hồ sơ? Và qua hai lần quy tập: Một lần họ làm mất tên, một lần làm mất cả tiểu sành và hài cốt các liệt sĩ TNXP?
Ông Hà Văn Năm kể lại câu chuyện đi tìm cốt của cô là liệt sĩ Hà Thị Sằm. Ảnh: VIẾT LONG
Nỗi đau của đứa con gái mồ côi cha từ một tuổi
Bà Địch Thị Loan, con liệt sĩ Địch Xuân Dong (TNXP duy nhất lập gia đình trước lúc hy sinh), bất ngờ với thông tin cha mình bỗng trở thành vô danh.
Bà kể cha hy sinh khi bà chỉ mới vừa tròn một tuổi. Trước nay việc chăm sóc phần mộ của cha do các chú của bà đảm nhận. Sau đó do điều kiện khó khăn nên gia đình chủ yếu thờ cúng liệt sĩ Địch Xuân Dong ở nhà. Khi biết được hài cốt cha được chuyển vào nghĩa trang, bà Loan đi thắp hương nhưng không biết đâu là phần mộ của cha mình. Cho nên trong các cuộc gặp các thân nhân liệt sĩ, bà có đề nghị xét nghiệm ADN để trả lại tên cho từng liệt sĩ.
“Chúng tôi thấy nếu đúng có việc sơ suất để mất tên trong quá trình quy tập mộ thì vẫn còn hài cốt và phải giám định ADN để mọi người còn biết đâu là mộ của người thân mình. Nên suốt từ năm 2008 tôi có đơn và đến 2019 mới nhận được thông báo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh về việc tiến hành khai quật hài cốt để giám định ADN. Nhận được thông tin này tôi rất vui, cả đêm không ngủ được. Vì bao nhiêu năm giờ mình mới đứng trước phần mộ của cha” - bà Loan kể.
Cuối tháng 10-2019, các thân nhân liệt sĩ được mời lên để khai quật và tiến hành giám định ADN. Tuy nhiên, 13 ngôi mộ liệt sĩ khi được đào lên chỉ có túi nylon, trong đó chứa một ít đất và nhiều đá, mộ không có tiểu và cốt.
“Chúng tôi rất đau lòng! Bởi lâu nay tôi cứ đinh ninh đó là cha của mình và những người đồng đội của cha nhưng hóa ra trong các bọc nylon đó chỉ toàn là đất đá vô tri. Cha tôi hy sinh bao năm mà nỗi đau của gia đình vẫn còn dai dẳng. Giá mà tôi tìm được mộ cha thì chắc sẽ an ủi phần nào. Ngờ đâu lần khai quật này lại làm chúng tôi đau buồn hơn khiến tôi cảm thấy có lỗi với cha rất nhiều” - bà Loan mắt đỏ hoe.
Hiện tại, người thân 10 liệt sĩ TNXP mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn sớm tiến hành cất bốc vị trí đồi Nà Cóc để tìm cốt của các liệt sĩ và phải thông báo cho các thân nhân đi cùng, không tự ý bốc như trước đây.
Truy tìm nguyên nhân 10 mộ liệt sĩ biến thành 13 Theo ông Năm, trong số 13 người hy sinh thì người thân liệt sĩ Hà Văn Kinh đã đưa liệt sĩ Kinh về nhà chôn cất ngay từ những ngày đầu. Có nghĩa là chỉ còn 12 ngôi mộ liệt sĩ được chôn ở đồi Nà Cóc. Sau đó hai ngôi mộ được hai gia đình lần lượt đưa về. “Như vậy, trên đồi Nà Cóc còn 10 ngôi mộ liệt sĩ TNXP. Nhưng không hiểu sao tại nghĩa trang vẫn ghi tên 13 người đã hy sinh và lập 13 ngôi mộ? Chúng tôi cũng nghi ngờ những người quy tập hài cốt lần đầu chưa đào sâu để lấy cốt. Nếu lấy đi thì hài cốt 10 liệt sĩ giờ ở đâu? Phải trả lời được cốt 10 liệt sĩ đang ở đâu và ai phải chịu trách nhiệm vụ việc này” - ông Năm bức xúc. Lãnh đạo thời đó không được thông báo việc quy tập Ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, cho biết: “Khi có thông tin về vụ việc, chúng tôi đã trực tiếp đi tìm hỏi những người có liên quan nhưng phần lớn đều đã mất. Còn lãnh đạo các thời kỳ trước thì đều khẳng định không biết việc quy tập này xảy ra từ bao giờ bởi không có ai thông báo cho họ”. |