UBND TP.HCM vừa cơ bản thống nhất với đề xuất của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) về lùi thời gian hoàn thành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đến cuối năm 2018.
Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội được thực hiện từ năm 2010, dự kiến thời gian thi công là 36 tháng kể từ ngày nhận toàn bộ mặt bằng. Đến nay toàn công trình đã đạt hơn 73% khối lượng nhưng do vướng trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng (CII mới nhận được khoảng 74,5% tổng diện tích công trình) nên công trình trở nên đứt khúc, dở dang ở nhiều đoạn, nhất là ở các đoạn song hành.
Ngay ở đầu cầu Rạch Chiếc, từ trong nội thành ra quận 9, phần đất làm đường song hành chưa được bàn giao nên chủ sử dụng hiện hữu biến nơi đây thành bãi tập kết xà bần, rác thải...
Ngay khu vực trạm thu giá, phần đất bên đường đang được giải tỏa từng phần, chưa bàn giao nên chưa thể thi công hoàn chỉnh đoạn đường song hành từ cầu Rạch Chiếc đến ngã ba Tây Hòa. Từ đây biến đoạn xa lộ Hà Nội ngang qua trạm thu giá thành điểm nguy cơ kẹt xe cao, thường xuyên.
Đoạn từ chân cầu vượt nút giao Trạm 2 đến Suối Tiên sẽ là hầm chui rộng 12 m cho hai chiều xe chạy nhưng đến nay vẫn còn vướng 28 hộ dân của phường Tân Phú, quận 9 nên phải thi công cầm chừng. Trong ảnh: Công nhân thi công ép thử tải để đóng cọc cho đoạn hầm song hành qua cầu vượt Trạm 2.
Đoạn từ Suối Tiên đến ngã ba Tân Vạn theo dự án sẽ mở rộng sang hai bên nhưng hiện đang vướng nhà và đất thuộc quận 9 và tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Đất hai bên đoạn này thuộc diện giải tỏa nhưng chưa được bàn giao nên hiện được các chủ bãi xe ủi, xe xúc dùng làm nơi tập kết, mua bán xe máy lấn cả ra phần đường dành cho xe máy.
Đoạn chui dưới tuyến metro số 1 đi vào depot Long Bình hiện cũng chưa thể mở rộng được vì phải chờ metro làm xong mới có mặt bằng cho thi công.
Đoạn qua trước ga metro Suối Tiên và cửa nhà ga Bến xe Miền Đông mới cũng chưa thể thi công mở rộng được vì còn chờ phê duyệt, triển khai dự án bổ sung cầu vượt trên xa lộ Hà Nội.
Ở hướng từ cầu Đông Nai vào nội đô, nhiều đoạn song hành bị cắt khúc bởi các nhà ga metro như Suối Tiên, Khu công nghệ cao... chưa thi công xong, chưa giao lại mặt bằng cho dự án xa lộ Hà Nội.
Người dân đi lại khó khăn trên đoạn song hành chưa được mở rộng ngang qua khu vực nhà ga metro Khu công nghệ cao.
Đường Nguyễn Văn Bá (một phần của đường song hành xa lộ Hà Nội) bị cắt đứt hoàn toàn bởi rào chắn nhà ga metro Thủ Đức.
Duy chỉ có đoạn song hành từ Nhà máy Coca-Cola đến ngã tư Thủ Đức dài khoảng 1,5 km là thông suốt.
Đoạn từ trục chính xa lộ Hà Nội rẽ phải chui dưới tuyến metro để đi vào đường song hành cũng chưa được bàn giao. Dòng xe nhỏ, xe máy vẫn phải đi trên trục chính và giao cắt với dòng xe tải, xe container trên xa lộ Hà Nội đi lên nhánh A cầu vượt Cát Lái được điều khiển bằng đèn tín hiệu. Đây là điểm đen giao thông ở ngay cửa ngõ TP từ nhiều năm qua.
Trên trục xa lộ Hà Nội hiện là đại công trường với hàng loạt các tiểu công trình như nút giao ĐH Quốc gia, metro số 1, Bến xe Miền Đông mới... nên việc thi công, mở rộng được đoạn nào là cho lưu thông liền đến đó và rào chắn đoạn kế tiếp để thi công. Do đặc điểm điều chỉnh biển báo giao thông liên tục nên nhiều người qua đây không thể cập nhật kịp theo biển báo, chỉ dẫn phân luồng, làn... nên thường bị dính... CSGT chốt ở phía trước.
CSGT thường đứng ở nơi mới phân làn, luồng lại để thi công đoạn đường, công trình kế tiếp.
Ý kiến nhiều người dân cho rằng xa lộ Hà Nội vừa là công trường vừa là đường đi mỗi ngày nên CSGT chỉ nên làm công việc phân làn, điều tiết giao thông thay vì rình rập thổi phạt người dân không kịp cập nhật tình hình công trường, đường đi.