“Tính đến chiều 16-10, mưa lũ đã làm 21 người chết, trong đó Nghệ An hai người, Hà Tĩnh hai người, Quảng Bình 15 người (đến tối 16-10 có thông tin là 18 người - PV), Huế hai người. Có tám người mất tích, 18 người bị thương. Trên 100.000 ngôi nhà bị ngập”. Đó là những con số được đưa ra tại cuộc họp chiều 16-10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai bàn giải pháp khắc phục hậu quả của lũ lụt và chuẩn bị các giải pháp ứng phó với bão số 7.
Hậu quả rất nặng nề
Theo ban chỉ đạo, mưa lớn làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức xấp xỉ lũ lịch sử, gây ngập úng trên diện rộng. Nhiều tuyến đường giao thông, trong đó có cả quốc lộ 1 bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam tê liệt trong nhiều giờ. Do tình hình lũ vẫn rất phức tạp, ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh chuẩn bị phương án di dân, cứu người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi theo dự báo, trên biển Đông đã hình thành cơn bão số 7 - Sarika. Vào chiều tối 16-10, bão số 7 chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Đến 10 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17. Khoảng chiều và đêm 19-10, bão số 7 sẽ đổ bộ vào đất liền với cấp độ 11-12, giật cấp 13-14. Vùng ảnh hưởng của bão được dự đoán từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, trong đó khả năng cao nhất là đổ bộ vào Thái Bình.
Với cấp độ 11-12 khi vào đất liền, bão số 7 là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong nhiều năm trở lại đây. Dự báo nó sẽ có sức tàn phá tương đương với bão Haiyan năm 2013 và mạnh hơn cả Sơn Tinh năm 2012.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt; thăm hỏi, động viên những gia đình gặp nạn; rà soát để ứng cứu kịp thời, không để người dân đói. Ngay khi nước rút phải khẩn trương sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống của người dân, thông suốt các tuyến đường giao thông huyết mạch. Để ứng phó với bão số 7, các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần chủ động cấm biển, thông tin kịp thời để ngư dân sớm thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Trên bờ cần chằng chéo nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, kiểm tra an toàn các hồ chứa…
Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn đang xả lũ. Ảnh: ĐẮC LAM
Học sinh xã Phương Điền đang phải nghỉ học chạy lũ. Ảnh: ĐẮC LAM
“Cứ nhè lúc mưa mà xả lũ”
Trao đổi với PV, nhiều người ở Hương Khê, Hà Tĩnh cho hay lũ lên quá nhanh khiến họ không kịp di chuyển tài sản, chỉ kịp chạy thoát thân. Và nguyên nhân chính là do Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh và huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) xả lũ đột ngột.
Ông Võ Hoàng Anh, trưởng thôn 13, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, bức xúc: “Khi chưa làm nhà máy thủy điện thì chúng tôi có bị như vậy bao giờ đâu. Nếu thủy điện xả lũ phải thông báo cho chúng tôi biết đường mà chạy, chứ nước chảy kinh khủng quá”.
Trưa 16-10, PV có mặt tại chân Nhà máy thủy điện Hố Hô và thấy hồ thủy điện này vẫn đang xả lũ với lưu lượng lớn. Nước từ đập thủy điện qua cửa xả đang tuôn xuống ầm ầm, mạnh hơn thác. Trong khi đó, ở hạ nguồn hàng ngàn hộ dân đang bị ngập trong nước lũ. Ông Võ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô), cho biết: “Hiện chúng tôi xả nước lũ với 824 m3/giây”.
Sáng 15-10, khi thị sát Nhà máy thủy điện Hố Hô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã cho rằng việc xả đập Hố Hô là quá bất ngờ khiến dân trở tay không kịp, nhà máy phải chịu một phần trách nhiệm. Thế nhưng trưa 16-10, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô, cho rằng lũ lên nhanh không phải do thủy điện xả lũ. PV hỏi: “Như vậy là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phát biểu sai?”, ông Thông cho rằng: “Không phải ông Khánh nói sai mà có thể do mọi người hiểu sai, chứ chúng tôi không phải xả quá nhanh”.
Ông Hùng và ông Thông cho rằng lúc 20 giờ ngày 13-10 mới bắt đầu xả lũ và xả lượng rất nhỏ, khoảng 50-80 m3/giây. Đến đêm 14-10, vì mưa to, có sạt lở đất ở sườn núi bên phải thân đập nước nên họ cho tất cả nhân viên, công nhân ra khỏi nhà máy rồi xả hết công suất là 1.800 m3/giây để... cứu nhà máy. Hai ông cùng nói từ ngày 12-10, nhà máy đã gửi công văn về việc xả lũ cho cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Những lý lẽ trên không thuyết phục được lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại. Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, bày tỏ: “Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng xả lũ 1-2 tiếng cho nước rút bớt nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”.
Ông Huấn cũng cho biết: Ngày 14-10, UBND huyện Hương Khê không nhận được thông báo bằng văn bản nào của Nhà máy thủy điện Hố Hô về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo. “Đến 16 giờ ngày 14-10, đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới một phó chủ tịch huyện nên cả huyện hoàn toàn bị động”.
Bộ Công Thương điều tra việc xả lũ tại thủy điện Hố Hô Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập tổ công tác điều tra việc xả lũ tại Nhà máy thủy điện Hố Hô. Sáng 17-10, tổ này sẽ lên đường vào Hà Tĩnh để tiếp cận nhà máy, khảo sát hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, đồng thời chỉ đạo khắc phục sự cố nếu có. Trước đó, ngày 13-10, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô có báo cáo gửi về Bộ Công Thương khẳng định việc xả lũ đã được báo trước và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, chiều 16-10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn giữa các đơn vị chức năng yêu cầu báo cáo tình hình thực tế. Bộ trưởng cũng gọi điện cho chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu thực tế. Kết thúc cuộc họp, bộ trưởng quyết định thành lập tổ công tác như đã nêu trên. Bước đầu, Bộ cũng sẽ hỗ trợ 350 triệu đồng cho mỗi tỉnh bị thiệt hại. TRÀ PHƯƠNG |