Kết quả này vừa được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố vào chiều cùng ngày. Trước đó, qua hai lần làm xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virut Ebola.
Theo bác sĩ Yến, như vậy là đã loại bỏ khả năng bệnh nhân Chu Văn Chung bị nhiễm Ebola. “Hiện bệnh nhân đang được nằm điều trị bệnh sốt rét tại Khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại đây sẽ không cần sử dụng đến các trang thiết bị bảo hộ để phòng Ebola, đồng thời cũng sẽ xóa bỏ vùng cách ly”.
Khu vực điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm virut Ebola sẽ được dở bở “hàng rào” cách ly.
Sau khi điều trị bệnh sốt rét cho anh Chung, bệnh viện sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của người này trong 21 ngày (kể từ ngày anh Chung rời Guinea). Việc theo dõi, giám sát những người từng tiếp xúc với anh Chung cũng được dở bỏ.
Như PLO.VN đã thông tin, anh Chung là lao động xuất khẩu làm việc tại Guinea trong thời gian hai năm. Ngày 28-10, Chung từ Guinea về sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM (quá cảnh qua Ma-rốc và Qatar). Sau đó, ngày 31-10, Chung tiếp tục di chuyển từ TP HCM về Đà Nẵng bằng đường hàng không. Vào sáng ngày 1-10, người này phải vào Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng cấp cứu với các triệu chứng như: sốt cao, sốt liên tục hai ngày kèm mệt mỏi, khát nước, nghi nhiễm Ebola.
Xác định bệnh nhân này sống và làm việc tại Guinea (vùng có dịch Ebola) nên Bệnh viện đã chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đà Nẵng để cách ly điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế.