Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ hành khách nghi nhiễm Ebola ở Đà Nẵng

Diễn tập khử khuẩn ổ dịch Ebola dành cho các tỉnh phía Nam được tổ chức tại Viện Pasteur TP.HCM vào ngày 14-8. ẢNH: TRẦN NGỌC.

Đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm

Theo Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) với dịch bệnh do vius Ebola, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vừa ghi nhận một trường hợp nam công dân Việt Nam tên Chu Văn Chung (26 tuổi, quê Thanh Hóa) nghi nhiễm Ebola.

Ông Trần Đắc Phu, cho biết công dân này nhập cảnh Việt Nam ngày 30-10 từ Guinea (một trong những nước có ca mắc Ebola cao) trên chuyến bay QR 964 qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Khi nhập cảnh anh Chung đã thực hiện khai báo y tế và không có biểu hiện sốt, ngày hôm sau đáp máy bay đi Đà Nẵng.

Sáng 1-11, hành khách Chung có biểu hiện sốt cao (40 độ C) và đến bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) khám, tại đây phát hiện bệnh nhân có tiền sử đi từ vùng dịch trở về. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển tới BV Đa khoa Đà Nẵng vào hồi 11h30 để tiến thành cách ly với chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân. Ông Phu cho biết hiện tại bệnh nhân vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có các triệu chứng sốt cao 40 độ C, đau đầu (nhưng không có các triệu chứng như xuất huyết, đi ngoài ra máu, chảy máu lợi,...).

Theo ông Phu, công dân này đang tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến sức khỏe tại khoa Lây của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Mẫu bệnh phẩm đã được lấy và chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tiến hành xét nghiệm.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng đã họp để chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Danh sách tất cả những người tiếp xúc gần với hành khách nêu trên đang được lập để theo dõi, giám sát sức khỏe. Đến nay, các đơn vị y tế Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp theo dõi bệnh nhân cũng như những người tiếp xúc, giám sát, xử lý môi trường, cách ly, điều trị theo đúng quy định.

Ba tình huống ứng phó Ebola ở Việt Nam

Để đối phó với đại dịch Ebola, Bộ Y tế đã xây dựng ba kịch bản.

Tình huống 1 là khi chưa có ca bệnh tại Việt Nam, các cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ để kịp thời cách ly, đặc biệt với người đến từ vùng dịch. Phương án sàng lọc sử dụng máy giám sát thân nhiệt và quan sát, nếu nghi ngờ sẽ cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Còn tại cộng đồng thì cần điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp thuộc diện nghi ngờ để tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

Tình huống 2, khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực, hạn chế tử vong ở mức thấp nhất cũng như hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng. Lấy mẫu xét nghiệm không chỉ với người bệnh mà cả những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân. Diễn tập phun thuốc khử khuẩn trong trường hợp phát hiện có người nhiễm Ebola.

Tình huống 3, khi dịch lây lan trong cộng đồng, cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng. Khẩn trương phát hiện những trường hợp nhiễm mới, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tất cả những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Theo đại diện Bộ Y tế, dù chưa xuất hiện bệnh nhân Ebola nhưng để nâng cao tinh thần cảnh giác đối với người dân và nhân viên y tế, Bộ Y tế đã kích hoạt một số hoạt động ở tình huống hai.

Bốn đội phản ứng nhanh

Trước đó, Bộ Y tế quyết định thành lập bốn đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Ebola tại các khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Các đội phản ứng nhanh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola xảy ra trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên đội phòng chống dịch cấp quốc gia được thành lập.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến 30-10 đã có hơn 13.500 ca nhiễm Ebola ở 8 quốc gia, cướp đi mạng sống của gần 5.000 người, trong đó có cả những cán bộ y tế làm nhiệm vụ.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm