Cho đến nay, trên thế giới đã có hàng ngàn người chết vì mắc bệnh do virus Ebola. Vài ngày qua, nỗi lo về đại dịch đặc biệt nguy hiểm này lại nhân lên nhiều lần khi một y tá người Mỹ gốc Việt với trang bị bảo hộ đầy đủ nhưng vẫn bị nhiễm virus Ebola ngay trên đất Mỹ khi chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus này.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Ebola, trong cuộc họp khẩn của Bộ Y tế với Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống bệnh tật Mỹ (CDC) vào chiều 13-10, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam gây bùng phát thành dịch tại cộng đồng bất cứ lúc nào. Vì vậy không thể lơ là trong công tác phòng, chống để có thể chặn dịch ngay từ cửa khẩu.
Vậy Ebola nguy hiểm như thế nào?
PGS Benjamin Hale - chuyên gia ngành triết học và môi trường ĐH Colorado-Boulder (Hoa Kỳ) trong bài viết “Những điều nguy hiểm bậc nhất về virus Ebola”đã đưa ra năm nguyên nhân cho thấy sức tàn phá ghê gớm của đại dịch này.
Khả năng “sát hại” người bệnh khủng khiếp: Các chỉ số từ một bảng thống kê được cập nhật thường xuyên cho thấy rằng có đến 54% người nhiễm Ebola tử vong. Thậm chí thực tế có bằng chứng cho thấy con số đó còn lớn hơn nhiều, chiếm 70%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay đã có hơn 4.033 ca tử vong.
Số ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân: Số lượng người nhiễm tăng gấp đôi sau khoảng ba tuần khiến một số nhà dịch tễ học lo ngại rằng sẽ có từ 77.000 đến 277.000 trường hợp sẽ bị nhiễm bệnh vào cuối năm 2014. Trong một mô hình giả lập tốc độ lây nhiễm của đại dịch Ebola được thực hiện bởi nhà toán học dịch tễ học Gerardo Chowell tại ĐH bang Arizona (Mỹ), chỉ cần một người bị nhiễm bệnh thì 100 người không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ bị lây nhiễm trong vòng một ngày. Ông Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, cho biết: “Trong suốt 30 năm làm việc trong ngành y tế cộng đồng, tôi chưa từng thấy căn bệnh nào lây lan như thế này (đại dịch Ebola - ND) ngoại trừ đại dịch AIDS”.
Theo WHO, hiện đã có 8.376 người nhiễm Ebola tại châu Phi và toàn thế giới. Tuy nhiên, theo tờ The Day (Anh), vẫn còn rất nhiều người dân châu Phi kẹt lại ở những vùng không có cơ sở y tế, vì thế số ca nhiễm Ebola thực tế tại châu Phi có thể lên đến xấp xỉ 20.000.
Đột ngột bùng phát dữ dội từ giữa năm 2014 và âm ỉ đến nay, virus Ebola đã tạo nên một thảm họa hãi hùng khi tước đoạt sinh mạng của hơn 4.000 người. Ảnh minh họa: BBC
Khiến nạn nhân “chết thảm”: Nạn nhân bị nhiễm Ebola nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ bị sốt huyết nội, sốt huyết ngoại tại tất cả cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong.
Lây truyền quá dễ dàng: Điều đáng lo sợ là hiện nay việc lây lan Ebola vẫn còn vướng nhiều tranh cãi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng virus Ebola lây truyền qua đường tiếp xúc với chất dịch cơ thể, bao gồm cả mồ hôi, nước mắt, nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch... hoặc thông qua các “vật trung gian” như khăn trải giường, khăn mặt, quần áo, kim tiêm của người nhiễm Ebola hoặc người chết vì Ebola.
Nỗi lo virus Ebola đột biến: Ngoài các đường lây nhiễm nói trên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Ebola còn có thể lây nhiễm qua đường không khí. Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch của Mỹ (CDC) Tom Frieden đã lên tiếng thừa nhận virus Ebola có thể lây lan trong không khí.
Khả năng tàn phá nền kinh tế: Ngoài năm nỗi đáng sợ mà Benjamin Hale đã đề cập, Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) còn đưa ra lời cảnh báo rằng nếu trong năm nay Ebola không được khắc phục mà tiếp tục lan rộng đến các quốc gia đông dân hay bùng phát ở các lục địa khác thì những thiệt hại về tài chính mà đại dịch này gây ra có thể lên đến ít nhất là 32,6 tỉ đôla Mỹ. Ông Donald kaberuka, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Phi, khẳng định dịch Ebola chắc chắn sẽ lan xuyên biên giới và “ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu”.
Bài 2: Những hiểu biết sai lầm về Ebola