Mọi người về tới Pháo đài thì trời vừa kịp tối. Pháo đài cũng vừa trải qua những đợt tấn công liên tục của bọn Khợ. Vắng Bố Anh nên Bố Em đã cùng với đồng chí đồn phó công an vũ trang nhận trách nhiệm chỉ huy những tay súng ở Pháo đài chiến đấu không mệt mỏi trong ngày động binh thứ sáu.
Cả một ngày trôi qua trong mịt mù khói lửa và những tiếng nổ gầm rít. Mỗi khi dừng tiếng súng, đồng chí đồn phó lại chỉ đạo cho từng tốp nhân dân chui sâu xuống lòng đất, tìm tới đường hầm dẫn ra phía nhà ga xe lửa. Hãy để người dân rút trước, còn bộ đội ở lại chiến đấu và rút sau. Nhưng chỉ có vài tốp dân thoát ra được theo đường hầm đó thôi. Quân Khợ đã tràn ngập thị trấn Quốc Môn rồi và chúng đổ cả tấn thuốc nổ xuống miệng hầm, đánh sập luôn nhà ga, bịt lối ra của những người trong Pháo đài. Khi Bố Anh dẫn hơn chục chiến binh từ Đồi Hữu về thì các cuộc tấn công của bọn Khợ tạm thời dừng lại. Pháo đài vẫn trụ vững trong tư thế bốn bề thọ địch. Vẫn còn dân kẹt lại trong Pháo đài. Tới vài chục, cả người già, phụ nữ và trẻ em. Bố Anh họp tất cả lại và bảo: “Không còn cách nào khác, vừa chiến đấu vừa tìm cơ hội rút, hễ rút được thì ưu tiên cho dân rút trước. Bộ đội sẽ ở lại chiến đấu đến cùng, nếu có chết thì cũng sẽ làm ma bảo vệ Pháo đài”. Nhưng không phải người dân nào cũng sẵn sàng rút lui. Nhiều người trong số họ muốn ở lại chiến đấu cùng với bộ đội.
Khi những người dân đầu tiên được tổ chức để thoát ra ngoài theo đường hầm thì có một phụ nữ mặc áo màu thiên thanh đến gặp Bố Em. Cô ấy mang theo một hòm tiền và nói: “Tôi là cán bộ của ty thương nghiệp, lên đây bán hàng ở trạm bách hóa lưu động phục vụ bà con dịp tết. Nhưng từ hôm xảy ra đánh nhau đến giờ, tôi bị kẹt lại không về thị xã được. Bây giờ tôi bàn giao lại cho các anh cái hòm tiền này để các anh xử lý. Còn tôi xin các anh cấp cho tôi một khẩu súng. Tôi muốn ở lại đánh nhau với bọn Khợ”.
Bố Em hỏi: “Chị đi cùng với ai?”
Cô áo thiên thanh đáp: “Tôi đi cùng một nhân viên nữa. Nhưng khi chúng tôi bê hòm tiền chạy ra khỏi quầy thì một quả pháo của bọn Khợ bắn tới, thổi bay luôn cái trạm lưu động ấy. Một mảnh pháo đã cắm phập vào chính giữa trán cô bạn tôi. Cô ấy chết rồi. Trước khi chết cô ấy còn chỉ tay vào hòm tiền, nói: “Chị cẩn thận hòm tiền, mang về cho ty…”.
Bố Em bảo: “Đánh nhau là việc của chúng tôi. Bây giờ chị phải theo đường hầm mà rút ra để còn mang tiền về cho ty thương nghiệp. Đó là nhiệm vụ của chị”.
Cô áo thiên thanh cương quyết: “Suốt một tuần qua tôi ở trong Pháo đài giúp các anh chiến đấu, tôi không còn biết sợ nữa. Em tôi cũng là bộ đội, cắm chốt ở Quốc Môn, cũng bị bọn Khợ giết rồi. Gia đình tôi chỉ có hai chị em. Tôi muốn ở lại đây để trả thù cho em trai tôi”.
Bố Em hỏi: “Thế thì ai sẽ đưa hòm tiền này về?”
Cô áo thiên thanh đáp: “Các anh cứ gửi những người dân mang ra khỏi Pháo đài. Các đồng chí ở ngoài đó sẽ đưa về trụ sở của ty ở dưới thị xã”.
Bố Em lại hỏi: “Chị biết bắn súng không?”
Cô áo thiên thanh đáp: “Tôi từng là trung đội trưởng trung đội tự vệ của ty thương nghiệp. Tôi có thể bắn được cả B40 lẫn 12 ly 7. Các anh không phải lo cho tôi chuyện ấy. Tôi ở lại không làm vướng chân các anh đâu”.
Thế là cô áo thiên thanh được ở lại, sát cánh cùng Bố Em đánh nhau với bọn Khợ suốt cả ngày hôm ấy.
“Cô áo thiên thanh có đánh nhau được không?”.
“Được chứ”. Hôm sau thì đã có Bố Anh về chỉ huy Pháo đài. Bố Anh tập trung lại lực lượng, rải quân ra các công sự, sẵn sàng nghênh chiến. Ngày thứ bảy động binh lại được bắt đầu bằng một đợt tấn công mới vô cùng khốc liệt. Bố Anh phụ trách trận địa bên phải Pháo đài, còn đồng chí đồn phó phụ trách hướng trái. Bố Em cũng được giao nhiệm vụ chỉ huy một cụm hỏa lực mạnh ở hướng trái để giúp bác đồn phó cùng với các đồng chí công an vũ trang chặn địch. Lúc này mọi người đều phơi mình ra ngoài trận địa, chỉ có thương binh và những người không chiến đấu được mới ở lại bên trong các tầng hầm của Pháo đài.
Đồng chí đồn phó có vợ là cô giáo Hà. Tết vừa rồi cô giáo Hà lên đồn biên phòng ăn tết cùng chồng. Cô giáo về dưới xuôi được hai tuần thì bọn Khợ đánh sang. Đồn phó kể với Bố Em rằng viết xong lá thư nhưng chưa kịp gửi cho vợ thì thấy bọn Khợ khai cuộc, vội nhét thư vào túi rồi chạy ra ngoài trạm chỉ huy anh em đánh nhau. Đồng chí đồn phó được giao phụ trách trạm biên phòng cửa khẩu, đóng ở ngay bên phải Quốc Môn. Chống đỡ được vài tiếng thì quân Khợ tràn lên, đông như kiến cỏ. Quân ta và quân Khợ trộn lẫn vào nhau, chả biết ai vào ai nữa. Người nào chạy được thì chạy, người nào không chạy được thì bắn đến viên đạn cuối cùng rồi lao lên đánh giáp la cà. Đồn phó và một đồng chí nữa bật lê lên, chuẩn bị đánh gần. Nhưng chưa kịp đâm tên Khợ nào thì đồn phó đã bị chúng đập báng súng vào tai, ngã lăn ra ngất xỉu. Tỉnh dậy, đồn phó thấy đồng chí đứng cạnh lúc trước đang nằm phủ lên người mình, cây súng tuốt lê vẫn còn giữ chặt trong tay. Đồng chí ấy bị một tràng tiểu liên bắn vào người, máu thấm sang cả vạt áo của đồn phó. Nhìn ra xung quanh, đồn phó thấy quân Khợ vẫn lớp này nối tiếp lớp khác ào ạt tiến qua biên giới, tràn vào đất ta. Trong sương mù giăng giăng quẩn với khói đạn mù mịt, đồn phó phát hiện ra màu quần áo của lính ta và lính Khợ giống nhau, chỉ khác đôi tiết trên ve áo, nếu trà trộn vào đám quân địch mà rút ra ngoài chưa chắc chúng đã phát hiện được. Thế là đồn phó tháo đôi tiết của mình ra, lấy đôi tiết của một tên Khợ nằm gần đó đeo lên ve áo, lại lấy cái mũ vải tròn có lưỡi trai của một tên Khợ khác đội lên đầu, không quên kéo sụp xuống mặt, rồi đứng dậy, cứ thế lầm lũi bước. Đi được một lúc lâu, ngẩng đầu nhìn lên đồn phó mới tá hỏa nhận ra là đang đi lạc sang đất của bọn Khợ. Còn đang loay hoay chưa biết xử trí thế nào thì đồn phó nhìn thấy ở bên vệ đường có một đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ bốc quân để chở sang bên ta. Trong đám quân Khợ lần lượt leo lên xe có tên bị thương đi cà nhắc, lại có cả tên bị băng đầu. Như vậy là đám quân này chắc cũng vừa bị ăn đạn pháo của ta từ bên kia Quốc Môn bắn sang. Không do dự, đồn phó chạy xuống khe núi, vòng ngược lên, nhập vào với toán quân Khợ đang xếp hàng để lên xe. Lên xe rồi đồn phó quay mặt vào vách bạt, ra vẻ mệt mỏi, không buồn nói chuyện với ai. Mấy tên lính Khợ ngồi cạnh thấy vết máu trên người đồn phó, nghĩ là bị dính mảnh đạn, cũng chả buồn hỏi chuyện. Xe chạy qua Quốc Môn, tới đường ray xe lửa thì dừng lại thả lính xuống. Đồn phó cũng xuống xe. Trong lúc bọn Khợ tản ra nghỉ ngơi trước khi tập hợp thành hàng lối hành quân về nơi tập kết thì đồn phó lẩn ra sau một vạt đồi, bỏ chạy về đồn. Nhưng đồn công an vũ trang đã không còn nữa. Từ cổng vào đến khu nhà của cán bộ chiến sĩ đều đã bị xe tăng Khợ húc đổ. Xác lính Khợ và xác biên phòng ta nằm rải khắp nơi, lẫn vào nhau. Đồn phó lật xác từng người xem anh em mình còn ai sống không? Đồn trưởng và chính trị viên đều đã chết. Tìm thêm một lúc nữa thì đồn phó cứu sống được hai người bị thương nhẹ. Chờ đến đêm có thêm một số chiến sĩ nữa từ các chốt chạy về. Không thể tiếp tục tổ chức chiến đấu ngay tại đồn được. Khuôn viên của đồn nằm trên một vạt đồi thấp, phía dưới Pháo đài. Thấy Pháo đài vẫn còn tiếng súng chống trả bọn Khợ, đồn phó liền đưa anh em tìm lên đây, gia nhập vào đội ngũ những tay súng bảo vệ Pháo đài.
Câu chuyện đồn phó sang đất Khợ rồi lại trở về bằng xe vận tải của chúng khiến những người ở trong Pháo đài há hốc mồm ra kinh ngạc. Chuyện cứ như ở trên phim ấy. Thế mà lại thực một trăm phần trăm. Đồn phó còn bảo với Bố Em rằng chắc các cụ nhà mình chưa cho tuyệt tự nên vẫn để mình sống mà trở về thực hiện cho xong nhiệm vụ truyền giống. Bố Em hỏi: “Cô giáo Hà chưa có con à?”. Đồn phó gật đầu: “Lấy nhau ba năm rồi đấy. Thế mà vẫn chưa có gì. Không biết tết vừa rồi có gì không. Bắn liên tục đấy”. Bố Em bảo: “Chả bù cho em. Có mấy ngày về phép là xong. Bắn vài loạt là chửa. Chỉ tiếc là vẫn chưa biết giai hay gái?”. Đồn phó hỏi: “Bao giờ đẻ?”. Bố Em đáp: “Tháng này đây. Nhưng tuần trước em về vẫn chưa ra. Lỳ lợm thế chứ!”. Đồn phó bảo: “Vợ tớ là giáo viên, lãng mạn lắm. Mấy hôm rồi lên ở với tớ suốt ngày chỉ chạy ra chân đường biên bẻ hoa đào về cắm trong phòng. Thế mà cũng chính quãng đường biên ấy, tớ đã đánh nhau với bọn Khợ chí chết. Chúng nó đông lắm, mình không trụ lại nổi, phải bỏ chạy. Nhưng mà chạy đến đâu cũng gặp máu và xác chết. Tớ liên tục vấp phải những cây đào phai mà vợ tớ thường hay ra bẻ. Nhưng mà cậu biết không? Máu vương vãi khắp nơi. Cả những bông hoa còn ngậm sương sớm cũng dính đầy máu. Thế mà vợ tớ bảo, lần này về có con, nhất định sẽ đặt tên là Đào. Chắc tớ phải viết thêm vào lá thư chưa gửi này, nói với vợ rằng không được đặt cái tên ấy. Chả lẽ sau này cứ mỗi khi gọi tên con lại nhớ tới những cành đào vương máu bên đường biên ấy à? Kinh bỏ mẹ!”.
Bố Em gật gù: “Ừ, kinh thật!”
Câu chuyện giữa Bố Em và đồng chí đồn phó bị ngắt nửa chừng bởi những loạt đại bác của bọn Khợ bất ngờ úp chụp xuống trận địa. Vẫn đang là ngày động binh thứ bảy. Lại một đợt tấn công nữa tập trung về phía Pháo đài. Vẫn là pháo bầy và xe tăng đi đầu mở lối. Sau xe tăng là những dáng người chìm trong màu xanh Tô Châu cầm súng lom khom chạy tới. Thoáng cái, ba chiếc xe tăng đã chạm bánh xích vào tới công sự đầu tiên rồi. Chúng chồm lên, chà xát từng đoạn hào, sau đó quay nòng pháo bắn về phía công sự của đồn phó. Đồn phó lệnh cho khẩu đội súng cối của Bố Em chuyển hỏa lực sang chi viện cho hướng giao thông hào đang bị xe tăng địch băm nát. Bố Em vừa chuyển vị trí đặt súng thì bộ binh địch đã tới gần, nghe rõ tiếng hò hét của bọn chúng. Rồi chúng bắn lên chỗ Bố Em như mưa. Hỏa lực của Bố Em, hỏa lực của bọn Khợ đan cài vào nhau nổ hỗn loạn không thể nào phân biệt nổi. Bố Em và mấy người trong khẩu đội cối gần như điếc đặc, chỉ dùng tay ra hiệu hoặc quát vào tai nhau.
Khi ấy Bố Em nhìn thấy trên một mô đá cao có hai thằng lính Khợ đang cầm cờ phất chỉ hướng cho xe tăng bắn. Bố Em chỉ cho đồn phó thấy rồi gào to: “Tiêu diệt nó đi”. Đồn phó chạy vụt đi. Lát sau đã thấy đồn phó nhô đầu lên lấy điểm xạ thật chính xác rồi xiết cò, cả hai tên Khợ đều ngã lộn nhào xuống đất, giãy đành đạch một lúc rồi nằm im.
Nhà phê bình văn học BÙI VIỆT THẮNG: Chiến tranh biên giới 1979 là món nợ của nhà văn có tâm huyết Xác phàm là cuốn tiểu thuyết thứ bảy của Nguyễn Đình Tú. Bắt đầu từ Hoang tâm (2013), độc giả quan tâm theo dõi bước tiến sáng tác của nhà văn này, thấy dường như anh đã “động thổ” một hướng viết mới, một lối viết mới khiến cái ảo và cái thực quấn quýt nhau, đôi khi thật khó tách bạch. Sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương có lẽ nhờ đó mà gia tăng trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Với mỗi người Việt Nam, cái cảm thức về những cuộc chiến đã qua vẫn như còn hiện diện tươi nguyên, là có thực. Nhưng nó mạnh mẽ, sâu sắc và day dứt nhiều hơn trong tâm khảm nhà văn.
Xác phàm động tới một góc của lịch sử, ở đó có những khía cạnh sắc lẹm, cơ hồ có thể cứa rát buốt vào da thịt con người và hơn thế như ngấm vào huyết mỗi người dù có trải qua trực tiếp cuộc chiến hay không. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 dẫu cho hiện diện sơ sài trong những trang chính sử cho đến nay thì trái lại, là món nợ tinh thần của nhà văn có tâm huyết. Xác phàm rõ ràng có hai mạch truyện có vẻ như tách bạch: Một là cuộc dấn thân đi tìm bản ngã của mình qua nhân vật Nam, hai là một cuộc chiến ác liệt, tàn độc của kẻ thù truyền kiếp và định mệnh của dân tộc, cũng thông qua nhân vật Nam. Nhưng nếu cuộc chuyển đổi giới tính của Nam để đi tìm cái bản ngã đích thực của mình là có thật và có thể chấp nhận được thì cuộc chiến không mong muốn mà “người bạn” xấu gây hấn, đổ ụp lên đầu chúng ta, cũng là một sự thật nhưng hoàn toàn phi lý, phi nhân tính. Xác phàm là cuốn tiểu thuyết về những người chết và những người sống. Lẽ dĩ nhiên người chết (như bố Nam và đồng đội của ông) trong trận chiến này đã rất lâu rồi vẫn còn nằm trong im lặng khó hiểu của lịch sử. Họ không vô danh nhưng lịch sử hình như thiếu công bằng. Chỉ có văn chương và đặc biệt tiểu thuyết mới có khả năng trả lại tên cho họ với lẽ công tâm lịch sử như nó vốn có và cần phải có. Tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Đình Tú là một cách trả món nợ tinh thần với những người đã hy sinh cả thân xác, cả linh hồn mình cho sự bình yên đời sống. Xác phàm một lần nữa đưa Nguyễn Đình Tú vào danh sách những nhà văn có nhiều độc giả nhất hiện nay. Một Nguyễn Đình Tú ngồn ngộn vốn sống, dày dặn trải nghiệm và đặc biệt cực kỳ phong phú trí tưởng tượng. Văn phong vẫn cứ sắc ngọt, hoạt. Nhưng bắt đầu chín muồi về độ triết lý. Nhưng là triết lý bằng hình tượng, thoát được cái gọi là “triết lý vặt”. |
NGUYỄN ĐÌNH TÚ
(*) Xem tiểu thuyết Xác phàm trên Pháp luật TP.HCM Chủ nhật từ số báo ra ngày 18-5