Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, đại diện Nhà xuất bản Trẻ, cho biết cuốn sách đang ấn hành và sắp ra mắt bạn đọc. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc trích đoạn của tác phẩm.
Chiều tối ngày động binh thứ năm. Lúc bấy giờ quang cảnh quanh khu Pháo đài kinh khủng lắm. Sau mấy ngày đêm đánh nhau liên tục, khắp nơi ngổn ngang xác Khợ. Núi đồi bị cày xới. Tường thành dính đạn nham nhở. Khói bụi bay lên mù mịt. Cái đập vào khứu giác của Bố Anh đầu tiên là mùi. Các loại mùi. Mùi khét của thuốc súng. Mùi cháy của nhà cửa, cây cối. Mùi hôi thối tanh tưởi của xác chết. Mùi máu khô đọng lại. Mùi chấy rận trong quần áo mặc lâu ngày. Mùi của bông băng sát trùng. Mùi thức ăn quẩn trong đường hầm. Mùi mồ hôi. Mùi thuốc lá. Mùi hơi thở… Tất cả trộn lẫn, xông lên rất khó chịu. Bố Em cũng phải chịu những mùi ấy nhưng dù sao thì cũng đã quen rồi. Mải đánh nhau nên chả ai còn để ý đến quần áo, tóc tai, râu ria của mình nữa. Khi ấy, bộ quần áo đang mặc trên người của Bố Anh là tinh tươm nhất. Bố Anh là sĩ quan chỉ huy nên nội thì áo bỏ trong quần, ngoại thì đại cán bốn cúc, đầu đội mũ lưỡi trai, ve áo gắn tiết đỏ chói, súng lục giắt ngang hông, có cả giày da đen láng bóng nữa. Oách lắm! Bố Anh còn hay khoác một tấm dù hoa. Mỗi khi chạy đi chạy lại giữa các trận địa trông Bố Anh như một vị tướng khoác chiến bào. Vô cùng hào hoa và lẫm liệt. Còn Bố Em sau mấy ngày đánh nhau, sao, tiết, thắt lưng rơi vãi hết chả còn gì. Áo cũng buông chùng ra ngoài. Mũ thì vớ cái nào đội cái ấy. Có khi là mũ cối, có khi là mũ sắt, cũng có khi là mũ vải bông có lưỡi trai lấy được từ những xác chết của bọn Khợ. Chỉ có bao xe, thủ pháo, AK là lúc nào cũng quàng trên người. Sau mấy ngày đánh nhau, những người như Bố Em có một giao ước ngầm, đó là không mặc quần áo mới, không cắt tóc cạo râu, không bắt tay và chào tạm biệt. Những cái chết liên tục xảy ra trước mắt khiến những người như Bố Em bắt đầu tin vào vận may rủi. Không mặc quần áo mới vì chỉ người chết mới thay đồ mới. Không cắt tóc cạo râu vì sợ vận đen sẽ ám vào mình. Không bắt tay vì sợ tạm biệt rồi sẽ không trở về nữa. Nhưng khi Bố Anh lên, Bố Anh triệu tập những người lính của mình lại và nói rằng: “Có chết cũng phải chết trong tư thế đẹp, với hình thức đẹp. Làm ma cũng phải là ma đẹp. Cái chết của những người lính vì Tổ quốc mà hy sinh phải khác với những cái chết của bọn thổ phỉ. Vì thế hễ ngớt tiếng súng là phải lần lượt cắt tóc, cạo râu, tắm rửa, giặt giũ. Không tự làm được thì người này làm cho người kia. Còn sống ngày nào phải đàng hoàng ngày ấy...”.
Nói rồi Bố Anh trực tiếp cầm kéo, lôi Bố Em ra cửa Pháo đài, bắt ngồi im để cắt tóc. Vừa cắt tóc Bố Anh vừa hỏi chuyện Bố Em để nắm tình hình. Nghe Bố Em kể lại mấy ngày đánh nhau vừa qua xong, Bố Anh bảo: “Như vậy một ngày trung bình chúng tổ chức khoảng sáu đến tám cuộc tấn công. Các cuộc tấn công chỉ tập trung vào hai buổi sáng và buổi chiều. Chạng vạng tối trở về đêm thì chúng ngừng. Thay vào đó chúng dùng pháo và các loại cối giã lên trận địa của ta. Cho đến giờ phút này thì thế trận của Pháo đài chưa phạm sai lầm gì, chỉ có điều tương quan lực lượng quá chênh lệch nên chống đỡ vất vả. Nước dự trữ vẫn đủ dùng. Cơm vẫn được các tổ nuôi quân đưa lên đều đặn. Thông tin liên lạc với cấp trên và các đơn vị bạn như Đồi Tả, Đồi Hữu và Đồn biên phòng Quốc Môn tuy phập phù nhưng vẫn giữ được. Đặt trong thế trận phòng ngự chung như vậy là tạm ổn. Vấn đề bây giờ là chờ cấp trên chi viện để mở những đợt phản công lớn vào bọn Khợ”.
Bố Em nói: “Chờ đến bao giờ? Pháo đài còn giữ được chứ các mỏm đồi kia yếu lắm rồi, nó đánh dấn thêm tí nữa là mất thôi. Pháo đài đang cần tiếp viện, ít ra là để chống đỡ với các đợt tấn công của bọn Khợ vào sáng ngày mai”.
Bố Anh hỏi: “Hiện Pháo đài còn bao nhiêu người chiến đấu được?”.
Bố Em đáp: “Khoảng hơn hai mươi người. Mỗi ngày lại có thêm vài tay súng tìm đến. Còn có cả dân nữa”.
Bố Anh lại hỏi: “Những tay súng nào tìm đến?”.
Bố Em đáp: “Các nhóm dân quân, tự vệ bị vỡ trận chạy về đây. Rồi cả các tổ bộ binh trấn giữ ở các chốt lẻ tìm về. Cả quân lạc của các đơn vị nữa. Lại cả những đồng bào người dân tộc gia đình bị giết hại, còn sống sót chạy lên đây xin cầm súng chiến đấu…”.
Bố Anh lại hỏi: “Có bao nhiêu dân chạy vào Pháo đài?”.
Bố Em đáp: “Khoảng sáu mươi người. Cả người già, trẻ em và phụ nữ”.
Bố Anh thở dài rồi nói như động viên chính mình: “Không sao cả. Còn giữ được Pháo đài thì bọn Khợ còn chưa thể tiến vào thị xã Vùng Biên được. Cứ cho là chúng nó có tràn qua Quốc Môn vào sâu bên trong thì mũi tên thép này vẫn cứ găm vào tim của đại quân chúng, sẽ làm chúng vô cùng nhức nhối. Ta cứ cố gắng găm chặt ở đây, khi nào trên tổ chức phản công, chúng sẽ nhanh chóng bị đẩy bật đi thôi”.
Tối hôm ấy Pháo đài lại có thêm một số tay súng nữa tìm đến. Đó là những chiến sĩ ở Đồn biên phòng Quốc Môn. Họ cắm chốt rải rác dọc đường biên, sau nhiều ngày đánh nhau, không trụ lại được phải rút về phía sau, thấy Pháo đài vẫn còn tiếng súng thì tìm đến để đầu quân. Bố Anh mừng lắm, vội thống nhất lại các lực lượng rồi bàn phương án chiến đấu chống bọn Khợ trong những ngày tiếp theo. Tinh thần lãnh đạo chung được Bố Anh đưa ra là pháo của chúng không thể nghiền nát được Pháo đài, còn bộ binh chúng thì không thể vào được tầng hầm đầu tiên nếu chúng ta còn một người lính. Đã có mặt ở trong Pháo đài lúc này thì quân cũng như dân, hễ ai có thể cầm súng thì sẽ được phát súng để chiến đấu. Cứ ẩn mình cho kỹ, thấy Khợ lao đến thì bóp cò. Ngoài ra sẽ lập những tổ đội thọc sâu đánh hiểm, vừa diệt xe tăng vừa làm rối loạn đội hình địch. Cứ phương châm ấy mà đánh, nhất định Pháo đài sẽ giữ vững.
Nhưng nửa đêm hôm ấy, Bố Anh bỗng nhổm dậy, khều tay Bố Em và bảo, này, mình không yên tâm khi chưa biết tình hình trên Đồi Tả và Đồi Hữu thế nào? Bố Em hỏi lại, anh lo lắng điều gì? Bố Anh phân vân, thế thông tin với hai thằng đó vẫn chưa nối được à? Bố Em bảo, sau trận chiều nay thì không liên lạc được nữa, mấy ngày qua, hai thằng đó vẫn đánh tốt. Bố Anh bảo, hay là hai thằng mình chia hai ngả, tìm sang bên đó xem binh tình ra sao? Bố Em đồng ý ngay. Vì sẵn quen với bác Hoàng nên Bố Em xung phong đi sang Đồi Tả. Bố Anh nhận đi sang Đồi Hữu. Trước khi đi, Bố Anh gọi một đồng chí là đồn phó đồn công an vũ trang đến và bảo: “Chúng tôi sẽ trở về trước khi trời sáng. Nhưng nếu không về kịp mà địch tiến công thì anh cứ thay tôi chỉ huy anh em chiến đấu như đã hiệp đồng nhé!”. Đồng chí đồn phó gật đầu: “Được rồi. Anh cứ đi đi. Bọn tôi còn sống thì chúng nó không thể nào vào được bên trong Pháo đài này”.
Thế là Bố Anh và Bố Em rời khỏi Pháo đài, chia hai ngả tìm đến hai cạnh của mũi tên thép. Lượt đi thì khá dễ dàng. Nhưng khi Bố Anh và Bố Em lên được tới trận địa ở hai đỉnh đồi thì cũng là lúc bọn Khợ thay đổi chiến thuật. Chúng không ào ạt xông lên với một tinh thần tốc quyết như mấy ngày qua nữa. Bắt đầu từ đêm nay, chúng đưa quân vào chiếm giữ những điểm trống, lập trận địa trụ lại lâu dài, rồi từ đó làm bàn đạp vừa tiến vừa vây các cao điểm của ta. Dù chiếm được một con phố, một mỏm cao, một mái nhà, một đoạn hầm hay một góc núi, chúng cũng sẽ cắm chốt lại, coi như chiếm được tấc đất nào là ăn chắc tấc đất ấy. Chúng hy vọng với cách vây lấn này, trước sau cũng sẽ thít cổ được Pháo đài Cảnh giác để đại quân chúng ung dung tiến qua Quốc Môn, đánh thẳng vào thị xã Vùng Biên.
Vì thế sau khi Bố Em gặp được bác Hoàng, biết được kế hoạch của trên là thay đổi hệ thống phòng thủ, muốn quay lại để báo với Bố Anh ngay, nhưng không kịp nữa. Dưới chân Đồi Tả lính Khợ âm thầm kéo tới đen kịt, vây kín ba mặt. Lần này, sau gần một tuần động binh, chúng chuyển sang mở các đợt tấn công vào ban đêm.
Để thực hiện lệnh của trên, những người lính cuối cùng ở trên Đồi Tả đã rút khỏi các mỏm cao. Những pháo thủ sát cánh bên trung đội trưởng Hoàng, dù còn nguyên vẹn hay tả tơi rách nát cũng đã dìu nhau rời khỏi trận địa pháo 85 uy dũng. Bố Em ngạc nhiên khi thấy bác Hoàng vẫn còn ngồi lại, ung dung hút thuốc, không có vẻ gì là muốn rút đi cả.
Bố Em hỏi: “Sao anh chưa đi?”.
Bác Hoàng nhìn đồng hồ trên tay, hỏi lại: “Sao đêm nay trôi qua lâu vậy? Mãi chưa đến 5 giờ sáng nhỉ?”.
Bố Em lại hỏi: “Anh muốn nhìn thấy chúng nó lao lên chiếm trận địa à?”.
Bác Hoàng cười, nụ cười rất khó hiểu: “Ừ, xem chúng nó nghĩ gì khi bò lên được tới trên này”.
Bố Em nhìn ra chỗ hai khẩu pháo, thấy chúng vẫn còn nguyên đó, ngạc nhiên hỏi: “Sao không rời pháo đi?”.
Bác Hoàng đáp buồn bã: “Còn gì nữa đâu mà rời?”.
Bố Em tiến đến chỗ hai khẩu pháo. Đúng là chúng đã hỏng nặng.
Sau trận đánh cuối cùng của ngày hôm qua, hai con voi đã không còn cử động được nữa. Một khẩu vỡ nòng, không còn chiến đấu được đã đành, còn một khẩu bác Hoàng đã cố gắng ngắm theo đầu nòng liên tục khạc đạn vào bọn Khợ mấy ngày vừa qua, giờ cũng nằm phủ phục, không thể bắn được nữa. Vì thế mà bác Hoàng đau xót không muốn rời trận địa chăng? Bác cố nán lại để chờ mong gì khi kim đồng hồ chỉ vào con số 5? Đúng lúc Bố Em còn đang bùi ngùi chưa muốn chia tay với bác Hoàng thì những tiếng nổ đinh tai nhức óc bất ngờ dội đến. Kim đồng hồ trên tay bác Hoàng khi ấy chỉ 3 giờ. Vậy là bọn Khợ đã mở màn đợt tấn công mới vào lúc 3 giờ sáng, sớm hơn mọi ngày hai tiếng.
Bác Hoàng và Bố Em chui xuống công sự ẩn nấp. Pháo bắn khoảng ba mươi phút thì chuyển làn rồi dừng lại, thay vào đó là các loạt pháo sáng liên tục được bắn lên trời, soi đường cho lính Khợ ào lên. Bác Hoàng kéo Bố Em nương theo lòng hào, lùi dần xuống chân dốc. Mỗi đợt pháo sáng rộ lên Bố Em lại thấy niềm vui hấp háy trên khuôn mặt của bác Hoàng. Xuống tới lưng chừng dốc, bác Hoàng đẩy Bố Em đi và bảo: “Chú chạy về Pháo đài đi. Nói với anh em bên ấy là trên ra lệnh rút về tuyến sau lập trận tuyến phòng ngự mới. Đi đi, kẻo tí nữa chúng nó vây kín lại không chạy được”.
Bố Em bảo: “Anh cũng đi đi, còn đứng lại làm gì?”.
Bác Hoàng ngửa cổ nhìn lên mỏm cao. Bác đã nghe thấy tiếng bọn Khợ hò reo vui sướng vì chiếm được trận địa mà không mất một viên đạn nào. Vậy là chúng đã tràn lên được tới mỏm cao quan trọng nhất của Đồi Tả rồi. Chắc chúng đang mừng rỡ vì thu được chiến lợi phẩm là hai khẩu pháo 85 ly. Bố Em thấy bác Hoàng tiến tới một hốc đá, cúi xuống lấy ra một thiết bị gì đó. Rồi bác cứ lúi húi với thiết bị đó mãi, không chịu đứng lên. Bố Em đã định bỏ đi, nhưng cảm thấy có điều gì đó hơi lạ, liền quay lại chỗ bác Hoàng. Thấy Bố Em, bác Hoàng vội nói: “Chú đưa anh quả lựu đạn”. Bố Em chưa kịp đưa thì nhanh như cắt, bác Hoàng đã giật lấy, rồi chạy ngược lên đầu dốc, lao đến chỗ trận địa đang tràn ngập quân Khợ. Bố Em cầm cái thiết bị mà bác Hoàng vừa lấy ra, chợt à lên một tiếng, vậy là hiểu rồi, bác Hoàng có nhiệm vụ ở lại để phá hủy trận địa pháo. Nhưng dây kích nổ đã bị đứt nên mìn gài quanh trận địa không nổ được.
Bố Em vội ngẩng lên nhìn và thấy bác Hoàng đã lao đến gần trận địa. Hình ảnh cuối cùng mà Bố Em còn nhìn thấy là bác Hoàng hơi cúi người xuống để lấy đà ném quả lựu đạn. Sau đó là hàng loạt những tiếng nổ nhoáng nhoàng bùng lên, đẩy Bố Em ngã chúi xuống vạt đồi. Bố Em bịt chặt hai tai, chờ cho bãi mìn nổ hết mới lò dò đứng dậy. Ngay lập tức Bố Em nghe thấy những tiếng la hét dội lên khắp nơi. Dễ đến mấy chục tên Khợ đã bị những quả mìn gài sẵn chụp những mảnh vỡ có hình lưỡi hái của tử thần lên người. Tiếng kêu la dậy đất. Tiếng than khóc vang đồi. Cả màn đêm ngập trong mớ âm thanh ai oán. Hai khẩu pháo hỏng cũng bị hất tung xuống những vạt đồi quanh đó. Bố Em chạy lên chỗ bác Hoàng. Người bác nằm vắt lưng chừng dốc. Bố Em lật ngửa bác dậy. Máu mồm, máu mũi bác trào ra. Bố Em cõng bác Hoàng chạy xuống chân dốc. Ở đấy có mấy pháo thủ đứng chờ sẵn. Họ đỡ lấy bác nhưng không còn cứu được người trung đội trưởng pháo binh nữa. Từ hai cánh mũi của bác máu đã khô lại. Hơi thở đã tắt.
Bố Em vái bác Hoàng một vái rồi lấy tay quẹt nước mắt đang rỉ ra trên má, quay về hướng Pháo đài, cắm cúi chạy. Không còn khóc thành tiếng được nữa. Quá nhiều cái chết trong mấy ngày qua khiến Bố Em không cất nổi tiếng khóc.
Không khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra…
Nhà phê bình trẻ TRỊNH SƠN: Viết lại một giai đoạn lịch sử Hẳn độc giả sẽ đặt câu hỏi: Liệu Nguyễn Đình Tú có tham vọng quá chăng khi muốn bổ sung và thậm chí là viết lại một giai đoạn lịch sử, về “cuộc xâm lăng thứ mười một và tiến quân chậm nhất trong lịch sử” của giặc phương Bắc với nước ta? Có lẽ, sử liệu ở khoảng cách gần khó có thể huyền ảo như ánh trăng đùa giỡn bóng mây - nhưng, nhà văn của những cốt cách nhức buốt bản năng Hồ sơ một tử tù, Nháp, Kín, Phiên bản, Hoang tâm… đã làm tròn bổn phận của một nhà văn trong dòng chảy thời đại: dò tìm, ngụp lặn, bơi ngược dòng bằng cả thân thể, trí năng của mình để chứng thực cảm giác gần gũi nhất, thiết tha nhất và chân thực nhất về một mảng ngầm tâm linh, tâm lý, tâm thế và tâm sử dân tộc. Vượt khỏi địa hạt thế mạnh là hiện thực, văn Nguyễn Đình Tú trong Xác phàm thiên về cảm luận và bay bổng lâng lâng giữa đường biên tam giác lãng mạn - tượng trưng - huyền ảo. |
(*) Các tên đất, tên người đã được mã hóa.
• Đón đọc phần tiếp theo của tiểu thuyết Xác phàm vào số báo Chủ nhật, ngày 25-5.