Xác phàm

Đồi Hữu cũng có năm mỏm, do một đại đội bộ binh và một đại đội pháo cao xạ 37 ly trấn giữ. Đồi Hữu không có lợi thế như Đồi Tả, địa hình thấp và không có hệ thống giao thông hào tốt, vì vậy suốt mấy ngày qua bọn Khợ đã hai lần tràn lên, suýt nữa thì làm chủ toàn bộ dải đồi đó rồi. Nhưng được chi viện của trên nên những đồng đội của Bố Anh lại đánh hất bọn Khợ xuống. Khi Bố Anh tìm sang Đồi Hữu thì bọn Khợ đã chiếm được ba mỏm thấp. Bố Anh không biết điều đó nên đã đi thẳng vào một mỏm đồi của bọn Khợ. Một tên Khợ đứng gác ở đấy cất tiếng hỏi Bố Anh câu gì đó. Nghe tiếng lạ, Bố Anh giật mình, vội tung người qua một con hào khác để bỏ chạy. Nhưng chạy được mấy bước thì lại gặp một thằng Khợ khác đang lù lù đứng trước mặt. Bố Anh nhìn thấy rõ thằng Khợ ấy đưa súng lên nhằm thẳng vào ngực mình. Bố Anh vội lộn một vòng để tránh đạn nhưng khi lồm cồm bò dậy thì thằng Khợ đó đang từ từ đổ ập xuống phía trước. Một cái đầu đội mũ bông bịt kín cả hai tai thò ra, vẫy vẫy Bố Anh. Bố Anh chạy tới bên người đội mũ bông và nhìn thấy tên Khợ vừa bị đâm lút cán dao từ phía sau, nằm im phắc dưới chân hào. Đâm nhát dao đó chính là người đội mũ bông. “Ở đâu mà đi đứng lớ ngớ thế?” - người đội mũ bông hỏi Bố Anh.

“Tớ ở bên Pháo đài”.

“Sang đây làm gì?”.

“Không liên lạc được, muốn sang đây xem anh em mình đánh đấm thế nào?”.

“Mất bố nó ba mỏm rồi còn đâu. Kiểu này không chắc có trụ nổi được qua ngày mai”.

“Thế à? Bên Pháo đài thì cơ bản vẫn còn trụ được”.

“Thế bây giờ mấy bố định làm gì? Nhìn thấy bố từ đằng xa đi tới tôi đã thấy nghi rồi?”.

“Nghi gì?”.

“Nghi là lính lạc. Lại đâm đầu vào mỏm đồi này nữa tôi càng nghi. Mỏm này bọn Khợ nó chiếm đầu tiên mà. Tôi mới bám theo bố. May mà chỉ gặp mấy thằng Khợ gác ở vòng ngoài, không thì bố tiêu rồi. Bọn này lơ ngơ, thịt cũng dễ”.

Đồng chí đội mũ bông cúi xuống gỡ lấy khẩu AK của thằng Khợ rồi quay lại một góc hào, lấy ra cái nồi quân dụng có hai tai tết bằng vải dù, xốc lên vai. Chú ấy quay sang Bố Anh hỏi: “Thế đằng ấy giữ chân gì bên Pháo đài? Liên lạc đại đội hả?”.

“Tớ phụ trách anh em bên đó”.

“Hả? Vậy… vậy… thủ trưởng sang bên này làm gì?”.

“Tớ mới ở tuyến sau lên. Muốn nắm lại các đơn vị để hiệp đồng chiến đấu”.

“Thế để em đưa thủ trưởng đi. Nhưng em còn phải có tí việc qua mỏm Bốn đã. Sau đó mới đưa thủ trưởng qua mỏm Năm được”.

“Qua mỏm Bốn làm gì?”

“Dạ, đưa cơm ạ”.

“Anh nuôi à?”.

“Vâng”.

Hóa ra chú mũ bông là anh nuôi. Chú ấy mới có mười chín tuổi, còn ít tuổi hơn cả Bố Em. Suốt mấy ngày hôm nay chú ấy toàn len lỏi giữa các nhóm quân của bọn Khợ để đưa cơm lên chốt. Cái nồi quân dụng sau lưng chú ấy đựng đầy thịt hộp, dưa muối và cơm vắt. Chú ấy bảo Bố Anh: “Nào, thủ trưởng đi theo em”. Nhưng vừa nói dứt câu, chú mũ bông bỗng kéo giật Bố Em ngồi thụp xuống. Một tràng đạn tiểu liên quẹt ngay trên đầu. Chú mũ bông nép theo thành hào, lưng đeo nồi quân dụng, vừa ngồi xổm vừa bò lồm cồm về phía trước. Bố Anh lúc này đã tỉnh táo trở lại. Bản năng chiến đấu của một người chỉ huy trỗi dậy. Chờ cho một tràng AK nữa vừa được bắn ra xong, Bố Anh liền đứng thẳng dậy, điểm xạ ba viên về phía tên Khợ. Tên này đổ gục xuống như thân cây bị phạt gốc.

Bố Anh chạy theo chú mũ bông. Thấy chú mũ bông ngọ nguậy đầu như muốn tìm kiếm xem còn tên Khợ nào không, Bố Anh bảo: “Phải đi thôi, đừng ham đánh nữa, anh em lại không có cơm ăn”. Chú mũ bông gật đầu rồi rời khỏi đoạn hào, chạy xuống một vạt đồi gần đó. Chú khỏe lắm. Lưng đeo nồi, tay cầm súng mà hai chân chú cứ leo dốc thoăn thoắt. Đã thế còn nói không ngớt miệng. Bố Anh hỏi: “Ban chỉ huy đóng ở mỏm Năm à?”. Chú mũ bông đáp: “Vâng”. Bố Anh lại hỏi: “Bên này bây giờ ai chỉ huy?”. Chú mũ bông đáp: “Chính trị viên ạ. Đại trưởng hy sinh ngay trong ngày đầu tiên rồi”. Tới lối lên mỏm Bốn, chú mũ bông quay sang bảo Bố Anh: “Thủ trưởng đứng đây, em mang cơm lên cho anh em rồi quay xuống dẫn thủ trưởng sang mỏm Năm”. Nói xong, chú mũ bông đeo nồi quân dụng chạy đi. Bố Anh đứng chờ một lúc thấy trên mỏm Bốn bùng lên tiếng lựu đạn nổ. Rồi những tràng AK đanh gọn nổ liên tiếp. Rồi lại bừng lên từng chùm thủ pháo. Không gian ắng lại một chút. Sau đó rộ lên những tràng AK quất căng rát vào đêm đen. Bố Anh vội lao lên mỏm Bốn. Đúng lúc ấy chú mũ bông lao xuống, tí nữa thì hai người đâm sầm vào nhau. Chú mũ bông vừa nói vừa thở: “Rút thôi thủ trưởng. Bọn Khợ chiếm được mỏm Bốn này từ chiều rồi”.

Lúc bấy giờ bắt đầu có tiếng hô hét của bọn Khợ ở vạt đồi phía bên kia. Bố Anh và chiến sĩ nuôi quân vội chạy về hướng mỏm Năm. Tới chân mỏm Năm thì chú mũ bông khuỵu xuống, một tay ôm lấy bụng, một tay rút ra con dao găm dính đầy máu ở thắt lưng. Bố Anh hoảng hốt hỏi: “Cậu bị thương à? Sao không bảo tôi băng lại?”.

Chú mũ bông ngồi bệt xuống, ngước mặt lên, nhoẻn miệng cười. Bọn Khợ bắt đầu dội pháo về phía Đồi Tả và sau đó phụt pháo sáng lên bầu trời. Bố Anh nhìn thấy mặt chú mũ bông tái đi. Nhưng chú ấy vẫn vừa cười vừa nói: “Em không thấy thằng đồng hương em ra nhận cơm là em đã nghi rồi. Đến khi mò vào công sự mới thấy anh em mình chết hết cả. Bọn Khợ chiếm được mỏm cao nhưng chúng nó chủ quan, không nghĩ rằng lính mình còn quay lại đó làm gì nên không cắt gác. Chúng nó dồn đống lại, ngủ ở vạt đồi phía bên kia. Em bò đến mấy thằng gần nhất, rút dao ra thịt nó xong, khẽ lấy hết thủ pháo, mang lên công sự buộc lại thành từng chùm. Sau đó em rút chốt tung hết vào từng đám bọn nó. Thằng nào nhô lên thì em quạt AK nốt. Đến khi hết đạn thì mới phát hiện ra là bọn nó vẫn còn đông quá. Mẹ cái bọn Khợ này. Đánh nhau kiểu gì mà toàn lấy thịt đè người”.

Bố Anh giơ tay ra cản chú mũ bông lại: “Thôi, đừng nói nữa, để tôi đưa cậu về băng bó lại đã”.

Nhưng chú mũ bông cứ ngồi cười rồi nói như một người đang mê sảng: “Về làm gì nữa. Thủ trưởng cứ để em ngồi lại đây. Tí nữa em lại mò lên mấy mỏm kia em thịt tiếp bọn Khợ này. Chúng nó chủ quan lắm thủ trưởng ạ. Cứ cho vài thằng như em mang thủ pháo đến tận lều chúng nó, quăng cho chúng nó đè lên nhau mà chết. Mấy ngày hôm nay em ở với chúng nó còn nhiều hơn là ở với anh em đằng mình. Chúng nó ngu lắm. Quần áo giống nhau nên chả nhận ra ai với ai đâu. Em bị chúng nó quây bao nhiêu lần mà cuối cùng chúng nó có thịt được em đâu...”.

Bố Anh nghiêm mặt: “Tôi bảo đồng chí không nói nữa, lên lưng tôi cõng về đơn vị!”.

Chú mũ bông vẫn cười. Lúc này nụ cười của chú ấy trông sợ lắm. Chú ấy đưa cái tay ôm bụng lên vuốt mặt. Bố Anh nhìn rõ bàn tay ấy đọng những giọt máu tươi. Mặt chú mũ bông trở nên nghuệch ngoạc bởi những vệt máu quệt ngang dọc. “Bị thương thế này đã là cái đếch gì đâu thủ trưởng? Đầu em đang quấn băng trắng toát đây này. Nhưng em chụp cái mũ bông này lên là xong, lại đánh nhau tiếp. Chính trị viên tưởng em vẫn ngon. Mấy thằng anh nuôi cũng tưởng em chả bị gì. Em vẫn xung phong đi đưa cơm đến các chốt đấy. Có sao đâu? Hì…”.

Tiếng cười của chú mũ bông đã không còn bình thường nữa. Dưới ánh pháo sáng của bọn Khợ, âm điệu phát ra từ miệng chú đã ba phần dương bảy phần âm rồi. Bố Anh định xốc chú ấy lên vai để đưa lên mỏm Năm nhưng chú ấy chìa con dao găm ra, bảo: “Đánh nhau lần này chán nhất là gì thủ trưởng biết không? Là súng ống chả ra gì? Đáng lẽ mỗi thằng bọn em phải có vài cơ số đạn nữa. Bọn Khợ đông quá. Đông nhưng mà ngu. Chúng nó có biết đánh đấm mẹ gì đâu. Toàn lấy thịt đè người. Em toàn phải dùng dao găm đấy chứ. Con dao này của ai thủ trưởng biết không? Của đại trưởng nhà em đấy. Đại trưởng chết ngay trong hôm đầu tiên mới đau chứ. Em vác đại trưởng chạy và bị dính một viên đạn sượt đầu. Đại trưởng đưa cho em con dao này và bảo: “Chú là anh nuôi, cho chú con dao này, khi cần có thể hữu dụng, giúp anh em có cái ăn mà chiến đấu”. Từ lúc cầm con dao này em đã thái thịt hay đào măng lần nào đâu? Em toàn xiên bọn Khợ. Đại trưởng sống khôn chết thiêng phù hộ cho em hay sao ấy, toàn giúp em thoát khỏi tay bọn Khợ trong gang tấc. Thế mới hay chứ. Tí em đưa thủ trưởng lên gặp ban chỉ huy xong, em sẽ lại mò đi. Em chỉ cần con dao này thôi. Em sẽ xiên bọn Khợ như xiên xoai. Thủ trưởng có tin không?”

Chú mũ bông cứ nói như thế và sẽ còn nói nữa, không biết đến khi nào mới dừng nếu không có mấy chiến sĩ ở trên mỏm cao chạy từ trên đồi xuống. Họ là những đồng đội cùng đơn vị với chú mũ bông. Khi họ nhận ra chú mũ bông thì chú ấy đã gục xuống, mắt nhắm lại, miệng hổn hển những lời thì thầm. Tay chú vẫn nắm chặt con dao găm. Bố Anh cùng mấy đồng đội vội vác chú mũ bông lên đồi cao. Chú đã tắt thở từ khi nào rồi. Đến khi thay đồ cho chú ấy, mọi người mới biết là đầu chú dính mảnh đạn, rách cả một vành tai. Chú ấy tự quấn băng xung quanh rồi chụp cái mũ bông lên. Lại còn chùm vành tai buộc kín xuống cằm nữa nên không ai biết chú ấy từng bị thương. Bụng chú ấy đùn ra cả một vốc ruột non. Chắc chú ấy bị dính mảnh lựu đạn của bọn Khợ ở trên mỏm Bốn. Thế mà chú ấy vẫn im lặng chạy về tới chân mỏm Năm. Đến khi Bố Anh biết được thì chú ấy đã mất máu nặng. Bố Anh chỉ còn biết đứng nhìn chú ấy chết. Đôi mắt chú ấy nhắm lại như đang ngủ. Miệng chú ấy như còn thoáng một nét cười. Bố Anh sẽ không thể nào quên được nét cười ấy.

Mọi người chưa kịp chuyển chú mũ bông về tuyến sau thì pháo Khợ dội tới. Như vậy là cùng với Đồi Tả, cuộc tiến công vào lúc 3 giờ sáng của bọn Khợ đã chính thức nhằm cả vào Đồi Hữu và Pháo đài Cảnh giác. Kể từ giây phút ấy, Bố Anh đã chuyển từ vị trí của người đi hiệp đồng chiến đấu, trở thành một tay súng của Đồi Hữu”.

 

Nhà phê bình Trịnh Sơn:

Những chiến sĩ cảm tử theo vận mệnh Tổ quốc

Thêm một lý giải Xác phàm cung cấp cho bản thân cuốn tiểu thuyết và người đọc: Quẩn quanh cuộc chiến giữa nước này với nước kia, người đây với kẻ nọ, thậm chí giữa hai thức trong cùng một trí năng cũng chỉ có mùi. Mùi đã trở thành hình tượng. Đẹp não nề và u uất. Thơm tao nhã và ly loạn. Tanh nồng và ngây dại. Mùi sống, mùi chết, mùi chiến tranh, mùi khát vọng, mùi anh hùng, mùi tiểu nhân, mùi quê hương yêu thương, mùi xâm lược bá quyền… Đó không phải là cái gốc tích nguyên thủy mơ hồ của vật chất bản năng hay sao?

Cao trào của mùi, là Tình yêu. Thứ tình cảm thiêng liêng những tưởng độc quyền của duyên phận nhưng không, “tạo hóa thì xưa nay vốn dĩ phạm rất nhiều sai lầm”, trong Xác phàm, tình yêu đích thị là điều kiện cần và đủ cho mỗi số phận. Việt và Nam - hai cái tên gắn bó như tên nước thiêng liêng, không hề vẩn đục: “Lóng ngóng nhưng tâm không gợn dục, bối rối nhưng lòng không hứng tình, rạo rực nhưng da thịt không thèm khát”. Bố Anh, Bố Em (không tên mà vẫn có tên), bác Hoàng, anh nuôi “mũ bông”, cô gái áo thiên thanh, cậu bé mười ba tuổi… là những chiến sĩ cảm tử theo vận mệnh Tổ quốc. Mẹ anh và mẹ em - và bao nhiêu bà mẹ khác nữa, chữ “vợ liệt sĩ” hoặc “mẹ Việt Nam anh hùng” đã vượt khỏi hàm nghĩa danh xưng, trở thành thân phận. Tình yêu chính là linh hồn của xác phàm, và, xác phàm gánh vác trọng trách thể hiện thứ tình cảm đang nuôi dưỡng, duy trì sự tồn tại sinh thể mình.

 NGUYỄN ĐÌNH TÚ

• Xem từ số báo Chủ nhật ngày 19-5. Đón đọc phần tiếp theo vào Chủ nhật 1-6

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm