Xác phàm (*)

Đó là trận quyết tử. Bố Anh chỉ huy cánh trái của mỏm đồi, còn đồng chí chính trị viên chỉ huy cánh phải. Bọn Khợ chỉ câu pháo một lúc thôi rồi dừng. Bộ binh của chúng đã áp sát mỏm đồi cuối cùng nên chúng không cần đến hỏa lực từ xa nữa. Cả mỏm Năm còn hơn hai chục tay súng, nếu cứ lấy 10 tên Khợ đổi lấy một người như Bố Anh thì cũng chỉ trong một buổi sáng là chúng sẽ lấy được nốt mỏm cao lợi hại đó. Nhưng buổi sáng hôm ấy trôi qua mà mỏm Năm vẫn trụ vững. Máu bọn Khợ tưới khắp các chiến hào. Sang đến những đợt tấn công buổi chiều thì những người lính cuối cùng của Đồi Hữu dần dần bị biển người Khợ, hết lớp sóng này đến lớp sóng khác dâng lên nuốt chửng...

Ngay từ đầu buổi chiều, những người còn sống sót trên đỉnh mỏm Năm đều cầm súng chiến đấu. Từ cậu liên lạc đến anh y tá, từ chiến sĩ nuôi quân đến người thương binh nặng, hễ còn bóp cò được là bắn. Tất cả đều sẵn sàng chết với tinh thần tử thủ. Trận địa của Bố Anh cứ co hẹp lại. Vòng vây của bọn Khợ mỗi lúc một khép chặt. Đạn hết, người thưa, các đoạn hào cứ dần nhường lại cho lũ Khợ lúc nhúc chen tới, dày đặc. Ở hướng Bố Anh chỉ huy, mọi người đã phải đánh nhau với bọn Khợ bằng bất cứ thứ gì có thể, dù là súng đạn, xẻng cuốc, đất đá hay tay không. Sau đợt tấn công đầu tiên của buổi chiều, ở phía công sự của Bố Anh xảy ra những trận đánh giáp lá cà. Bố Anh ném hết lựu đạn thì bật lê lên để đánh gần. Cả chục tên Khợ đã nhảy vào trong công sự. Một tên Khợ to như con bò mộng húc thẳng vào bụng khiến Bố Anh ngã ngửa ra đằng sau, khẩu súng bị hất văng lên bờ hào. Tên Khợ to lớn theo đà lao tới, đè ập lên người Bố Anh. Lợi dụng tư thế đó, nó dùng hai tay siết chặt lấy cổ Bố Anh. Đúng lúc hai mắt Bố Anh hoa lên thì bỗng bàn tay của tên Khợ lỏng ra. Nó rú lên một tiếng man rợ rồi đổ vật sang bên. Đồng chí chính trị viên chìa tay ra kéo Bố Anh bật dậy. Chính đồng chí chính trị viên đã nhặt khẩu súng của Bố Anh và xiên một nhát lê vào sau lưng tên Khợ. Chính trị viên chỉ huy ở bên cánh phải nhưng thấy cánh trái của trận địa bị quân Khợ tràn lên đông quá đã dẫn mọi người chạy sang hỗ trợ.

Chiều đến, những người lính còn lại của Đồi Hữu đành phải dồn về hai hàng công sự trên cùng. Cả hai cánh nhập lại cũng chỉ còn khoảng hơn chục người. Bọn Khợ quyết tâm kết thúc trận đánh nên hết lớp này đến lớp khác tràn vào tầng công sự thứ nhất. Lúc này Bố Anh và đồng chí chính trị viên đang ở tầng công sự thứ hai. Bố Anh quay sang nói với chính trị viên rằng không lẽ để anh em chết đến người cuối cùng sao, hay là mở đường cho anh em rút về pháo đài?

Chính trị viên liền rút khẩu K54 ở bên hông ra, nói nhanh: “Trên đỉnh đồi có thang dây đưa xuống. Anh đưa anh em theo lối đó về pháo đài, để tôi chặn bọn Khợ lại”.

Dứt lời, chính trị viên nhảy xuống tầng công sự thứ nhất, dùng báng súng đập mạnh vào đầu một tên Khợ rồi hô to: “Anh em rút về pháo đài tiếp tục chiến đấu, không một ai được ở lại. Nghe lệnh tôi. Rút mau!”.

Bố Anh bắn liên tiếp mấy loạt đạn ghìm chân bọn Khợ lại không cho chúng tràn vào công sự, tạo điều kiện cho những người rút lui chạy lên. Khi tất cả đã lên đến đỉnh đồi rồi, Bố Anh hô: “Theo thang dây, lần lượt tụt xuống!”. Khi người cuối cùng đã bám vào thang dây trèo xuống, chính trị viên vẫn cầm khẩu K54 vừa bước lùi, vừa chĩa về phía trước. Chính trị viên lùi lên đến tầng công sự trên cùng thì một tràng tiểu liên của bọn Khợ quét tới. Bả vai và cánh tay trái của chính trị viên bị đạn ghim lỗ chỗ. Chính trị viên vẫn nén đau đớn, tiếp tục vẩy súng về phía bọn Khợ. Chính trị viên vừa lùi vừa cố gắng cản đường cho đồng đội rút lui. Chính trị viên nhìn thấy Bố Anh còn chưa bước xuống thang dây, liền hét lên: “Xuống đi!”.

Bố Anh vội tung người bám lấy thang dây. Vừa tụt xuống Bố Anh vừa ngẩng lên nhìn đồng chí chính trị viên lùi dần, lùi dần, lấy tấm lưng che khoảng trống nơi có đầu cầu bước xuống thang dây. Khi xuống tới lưng chừng vạt đồi dốc đứng thì Bố Anh hô mọi người nhảy xuống một vách đá. Vách đá này ăn sâu vào trong thân núi như một cái hang, có thể cản được tầm nhìn của bọn Khợ. Đúng như Bố Anh dự kiến. Bọn Khợ lên tới đỉnh đồi, chúng dùng lựu đạn ném xuống phía dưới. Rồi chúng lia các cỡ súng bắn xối xả theo triền dốc, băm nát từng đoạn thang dây. Sau đó chúng kéo chiếc thang dây đã đứt tung ấy lên. Bố Anh và hơn chục đồng đội vẫn nép mình vào vách đá, không để bọn Khợ nhìn thấy. Lát sau Bố Anh thấy bọn Khợ thả một sợi dây xuống. Đầu sợi dây có buộc một bọc lạ được trùm kín bằng tấm dù hoa. Bố Anh vội ôm lấy bọc dù đó đồng thời rút dao găm cắt đứt sợi dây. Khi Bố Anh đưa được bọc dù vào bên trong vách đá thì từ phía trên bọn Khợ lại tung lựu đạn và chúc trung liên bắn xuống. Chúng đang quyết tâm tận diệt người lính chốt cuối cùng, dù họ đã rút lui.

Bố Anh mở tấm dù hoa ra. Mọi người có mặt khi ấy đều cúi đầu, không thốt lên được lời nào. Trong tấm dù hoa chính là đồng chí chính trị viên. Toàn thân chính trị viên đẫm máu, khuôn mặt biến dạng vì bị rạch nát. Bố Anh nôn khan khi nhìn thấy hai mắt của chính trị viên đã bị khoét, chỉ còn lại hai hốc sâu với những sợi gân trắng hồng lổn nhổn. Miệng chính trị viên há ra, khẩu K54 nhồi vào họng tới ngập nòng. Tứ chi chính trị viên dập bấy, sờ vào không còn nhận ra đâu là chân tay nữa, chỉ còn là những khúc thịt bầy nhầy, oặt oẹo. Bố Anh nghiến răng rút khẩu K54 ra khỏi miệng chính trị viên rồi lập tức trùm lại tấm dù hoa. Bố Anh không muốn bất kỳ ai phải nhìn thấy người chết nữa. Đặt khẩu súng ngắn vào nơi phần ngực của chính trị viên, bọc kỹ lại tấm dù hoa, sau đó Bố Anh cởi chiếc áo bông trên người ra, quấn thêm một lớp bên ngoài cái xác. Sau đó Bố Anh đặt xác chính trị viên vào ngách sâu nhất của vách núi. Trước hơn chục chiến sĩ đang hắt ra những ánh nhìn rỏ máu, Bố Anh đứng nghiêm làm động tác đưa tay chào chính trị viên rồi nói như khấn rằng: “Tình hình này không thể chôn cất anh được. Anh hãy nằm yên nghỉ ở đây. Qua cơn động loạn này, chúng tôi sẽ đưa anh về”.

Chờ cho bọn Khợ ở phía trên bớt điên cuồng truy sát, Bố Anh quay sang bảo mọi người: “Các đồng chí cởi áo ra trùm kín lấy đầu, nhớ buộc cho chặt!”. Trong lúc mọi người còn chưa hiểu Bố Anh định làm gì thì Bố Anh liền đứng ra làm mẫu trước. Khi hơn chục chiến sĩ đã lấy áo trùm kín đầu rồi, Bố Anh liền đến một bên vách đá, ném súng xuống. Mọi người cũng lần lượt ném vũ khí xuống theo. Bố Anh lại chỉ xuống một vạt đồi và bảo: “Chỗ này là gần nhất, bây giờ mọi người đưa hai khuỷu tay lên ôm chặt thái dương rồi theo tôi, lăn xuống!”.

- Lăn xuống đâu?

“Xuống chân đồi”.

- Rồi đi đâu?

“Tìm đường về pháo đài”.

 

Nhà văn Đào Bá Đoàn:

Một dòng sông ký ức cuộn chảy của dân tộc

… Bấy giờ, họ - những người đàn ông phải bước vào một cuộc chiến tranh vệ quốc mà họ không hề mong muốn và họ đã kiên cường, tiết liệt bảo vệ được trọn vẹn cương vực, lãnh thổ của Tổ quốc;

Sau đó, những người đàn bà mất chồng lại âm thầm, nhẫn nại chịu đựng cô đơn và dồn hết tâm sức vào những đứa con - hạt máu của những người đàn ông chết trận truyền lại, với những hy vọng chói bừng vào một thế hệ mới sẽ thoát nạn chiến tranh, sẽ được sống trong hòa bình, sung sướng.

Trong khuyết thiếu, những đứa con lùi lũi lớn lên, thông minh, giỏi giang nhưng không tròn đầy “nhân cách” (không phải theo nghĩa “luân lý”) - họ bước vào thế kỷ mới bằng “thừa tự” tình yêu thương, cũng đồng thời cả những nỗi đau, những ưu lo, những cơn rung chấn mãnh liệt và một mơ màng hướng phóng vào tương lai…

Xác phàm - tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú thực ra là một dòng sông ký ức cuộn chảy của dân tộc Việt thời đoạn một phần ba thế kỷ qua. Ấy là cuộc chiến vệ quốc với kẻ thù truyền kiếp; sự khốc hại của chiến tranh; cái nhân văn trong cảnh ngộ máu; những đớn đau mất mát của thân phận đàn bà; sự “lệch chuẩn” trong hoàn thiện nhân cách trẻ em - những cơn buồn và những vẻ đẹp hoang đường như một mê sảng của thế giới tiếp tục còn bị đẩy sâu vào vùng tăm tối - đường còn lắm mê loạn, cái đẹp còn bị dìm, bị tàn hại bởi bao tảng đá hộc; khát vọng nhân văn còn vời vợi và bản thân nó vẫn gây khát như người bệnh trót uống cả biển mặn mà mặt trời đã đổ lửa, rang tất cả trong một khung trời, mà thần linh thỉnh thoảng lại u ơ muốn cất lời rằng: HỠI ÔI! TA MUỐN THỬ THÁCH!

NGUYỄN ĐÌNH TÚ

(*) Tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Xem trên Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật từ số báo ra ngày 11-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm