Giá xăng tăng đã được dự báo tuy nhiên nhiều sinh viên vẫn không còn cách nào khác ngoài chuyện thắt chặt chi tiêu để đảm bảo cuộc sống.
Muôn kiểu tiết kiệm của sinh viên
Bạn Nguyễn Phước Hóa (22 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi là sinh viên năm cuối, đang thực tập tại một công ty truyền thông tại quận Bình Thạnh. Mấy tháng gần đây, xăng tăng chóng mặt. Quãng đường đi làm từ Làng Đại học Thủ Đức lên công ty ở Bình Thạnh, cả lượt đi lượt về hơn 30km. Một tuần trung bình tôi phải tốn khoảng 300.000 đồng cho việc đổ xăng di chuyển. Xăng tăng, nên việc đi lại, gặp bạn bè cũng phải hạn chế để giảm chi phí cho việc xăng cộ di chuyển".
Theo anh Hóa, xăng tăng kéo theo mọi vật giá cũng tăng, điển hình nhất là chuyện ăn uống mỗi ngày. Rau cải, các loại thịt cá, các loại gia vị nấu ăn cũng tăng giá theo làm bản thân anh áp lực rất nhiều. Phải cố gắng tiết kiệm trong việc ăn uống, không còn ăn uống thoải mái như lúc trước được.
“Việc mua sắm các đồ dùng cá nhân, quần áo cũng được tôi cân nhắc rất kỹ, có cần thiết phải mua không? Đó là câu hỏi tôi đặt ra nhiều nhất trong mấy tháng gần đây. Vì cơ bản, chi phí ăn uống đi lại đã chiếm gần hết chi phí sinh hoạt hằng tháng. Còn tiền nhà, điện, nước, thuốc men, bảo dưỡng xe cộ,.... làm tôi rất áp lực” – anh Hóa buồn bã nói.
Giá xăng tăng cao khiến nhiều sinh viên đau đầu trong tính toán chi tiêu. Ảnh: TÚ NGÂN |
Cùng trong tình trạng đó, hơn một tháng nay, cuộc sống của bạn Hà Anh Thư, sinh viên năm cuối trường ĐH Ngoại Thương TP.HCM vất vả hơn nhiều. Cân nhắc giữa việc đi làm thêm để hỗ trợ chi tiêu với ba mẹ trong thời điểm đang tập trung cho những đồ án tốt nghiệp, thật sự là áp lực đối với cô nàng.
Hà Thư tâm sự: “Để đi làm thêm trong hoàn cảnh chuẩn bị tốt nghiệp, tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Nhưng với tình trạng hiện tại, nếu không đi làm thì số tiền ba mẹ cho tôi để sinh hoạt sẽ bị thiếu hụt. Với số tiền lương là 2 triệu đồng/tháng cho 5 buổi làm trong tuần, tôi dùng số tiền này để chi trả cho sinh hoạt phí như ăn uống, chi phí phát sinh cá nhân. Cố gắng một chút cho qua giai đoạn này”.
Sẵn sàng chuyển trọ, luôn tiết kiệm...
Để thích nghi với tình hình xăng dầu tăng giá, không ít sinh viên phải tiết kiệm ăn uống và sẵn sàng thay đổi luôn chỗ ở để tiết kiệm chi phí.
Huỳnh Trung Tính, sinh viên năm 3 trường ĐH Công Nghệ TP.HCM mặc dù đã quen với việc đặt mua đồ ăn hơn 3 năm nay, nhưng thời điểm này anh buộc phải chọn cách tính toán chi tiêu, đi chợ nấu ăn để tiết kiệm một chút chi phí trong sinh hoạt.
“Ngày xưa tôi thường mua thức ăn bên ngoài nhưng giờ một phần cơm đã tăng lên từ 2.000 - 5.000 đồng. Nếu đặt qua ứng dụng giao hàng thì có nơi tăng đến 10.000 đồng cùng phí ship khá cao. Tôi quyết định chỉ nấu ăn ở nhà, hôm nào thừa đồ ăn thì mang bảo quản tủ lạnh để dùng tiếp cho bữa trưa hôm sau để tiết kiệm”.
Huỳnh Trung Tính chọn cách mua thực phẩm về nấu ăn cho tiết kiệm. Ảnh: TÚ NGÂN |
Còn với bạn Trần Thị Phương Oanh, sinh viên trường ĐH Công Nghệ TP.HCM, cô nàng còn dành thời gian suy nghĩ đủ chiêu trò để tiết kiệm.
Oanh bộc bạch: “Tôi chuyển từ phòng trọ với giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng sang ký túc xá gần trường rẻ hơn, mức giá 1 triệu đồng/tháng. Lập bảng tính toán chi tiết để bản thân không chi tiêu quá đà dưới tác động thời bão giá. Tôi còn đang cân nhắc việc sẽ đi học với bạn cùng phòng để giảm bớt chi phí, dù gì chia đôi một nửa cũng tiết kiệm hơn”.
Chưa hết, cô nàng còn tranh săn mã giảm giá trên các sàn mua bán điện tử để được mua hàng với ưu đãi. Từ nước giặt, gia vị, vật dụng trong gia đình, Oanh đều lên chợ mạng để tìm mua, mong rằng tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.