Báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương cho biết hoạt động thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong bốn tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.519,9 ngàn tỉ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động thì doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.224,45 ngàn tỉ đồng chỉ tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 143,04 ngàn tỉ đồng, giảm 23,62% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,86 ngàn tỉ đồng, giảm 45,17% so với cùng kỳ năm trước…
Bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa cho người dân
Theo Bộ Công Thương, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, Bộ sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp.
Đối với phát triển thương mại nội địa bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa. Đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử (TMĐT) với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ TMĐT nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ của mình trên hệ thống này.
Ngoài ra trục kết nối dịch vụ TMĐT còn được kết nối với các sàn TMĐT của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp DN, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất. Xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon.
Phối hợp với các sàn TMĐT tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh TMĐT nhằm ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp.
Phát động phong trào tiêu dùng hàng hóa, nông sản Việt qua TMĐT trên “Gian hàng Việt”. Xây dựng “đề án phát triển nền tảng ứng dụng TMĐT” để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.