Khơi thông các tuyến đường thủy huyết mạch phía Nam - Bài 2

Xây mới nhiều cầu, mở nút thắt đường thủy

Để tháo gỡ điểm nghẽn cho các tuyến luồng thủy huyết mạch phía Nam, Bộ GTVT đã có quyết định nâng cấp, xây mới chín cây cầu bắc ngang qua tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia - giai đoạn 1.

Đầu tư cho giao thông chưa đúng mức

Bộ GTVT cho rằng việc đầu tư xây mới các cây cầu sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ĐTNĐ theo quy hoạch. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện năng lực vận tải, đảm bảo an toàn giao thông cho cả lĩnh vực giao thông thủy và bộ.

Sơ đồ vị trí chín cây cầu được xây mới. Đồ họa: HỒ TRANG

Các cây cầu xây mới cũng góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực dự án. Đặc biệt, các dự án này có vai trò nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ trong khu vực ĐBSCL tới TP.HCM, tới các cụm cảng biển khu vực Đông Nam bộ và ngược lại.

Điểm hạn chế trên tuyến này là cầu Măng Thít có độ tĩnh không thấp, cần phải có phương án điều chỉnh. Đồng thời, dự án nạo vét kênh Chợ Lách và xây dựng mới cầu Chợ Lách 2 sẽ được triển khai thực hiện. Các dự án này cũng nằm trong kế hoạch phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhìn nhận ĐBSCL là vùng có tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, song đến nay việc đầu tư cho giao thông chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, việc tập trung đầu tư xây mới các cây cầu cho khu vực ĐBSCL là rất hợp lý, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vận tải khách và hàng hóa ngày càng tăng cao. Đây cũng là việc ngành giao thông nên làm ngay trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nam Sơn cũng nhận định thực tế ngành giao thông đã có quy hoạch rồi, song triển khai rất chậm. Việc kết nối hạ tầng giao thông không đáp ứng thì khó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, Nhà nước cần tính toán phát triển cả giao thông thủy, bộ, hàng không để bổ trợ cho nhau, góp phần kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Vấn đề không phải xây chín hay bao nhiêu cây cầu mà cần có một kế hoạch kết nối tổng thể, có tầm nhìn dài hạn hơn. Các dự án phải có kế hoạch kết nối với TP.HCM, Campuchia… để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa” - ông Sơn nhận định.

Tính toán vận tải hàng hóa và hành khách

Theo ông Sơn, để cho vùng ĐBSCL phát triển thì chúng ta cần đặt ra kế hoạch cần có bao nhiều kilomet đường, bao nhiêu cây cầu… từ đó mới khai thác hết tiềm năng của khu vực này.

Góp ý thêm cho kế hoạch phát triển giao thông thủy khu vực phía Nam của Bộ GTVT, ông Trương Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Hàng hải II, cho rằng đường thủy nên phát triển cả về vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Mà để làm được điều này thì chúng ta cần thay đổi tư duy để mở cửa cho doanh nghiệp, các đơn vị tham gia đầu tư.

Theo ông Dũng, làm cầu cần tính toán phương án mở, chẳng hạn ngành giao thông nên làm các cây cầu quay để mang lại hiệu quả ngay, đặc biệt là đối với các tuyến đường thủy lớn. Tất nhiên, nếu chúng ta khơi thông giao thông thủy thì trên đường bộ sẽ không còn tình trạng xe container chạy trên các tuyến đường lớn và giảm tải cho đường bộ.

“Trong khu vực, chúng ta nên học hỏi Thái Lan, trên thế giới chúng ta cần học hỏi Hà Lan. Các quốc gia này có quy hoạch và phát triển giao thông thủy rất tốt, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm để đưa ra các phương án phát triển cho giao thông thủy” - ông Dũng nhấn mạnh.•

 

Chín dự án giao thông thủy được Bộ GTVT đầu tư, phát triển, gồm: Cầu Mỏ Cày (Bến Tre) qua kênh Mỏ Cày; cầu Ô Môn, cầu Thới Lai qua rạch Ô Môn (TP Cần Thơ); cầu Đông Thuận, cầu Đông Bình qua kênh Thị Đội - Ô Môn (Vĩnh Long); cầu Vàm Xáng - Thị Đội qua kênh Thốt Nốt (TP Cần Thơ); cầu Sa Đéc (Nàng Hai, Đồng Tháp) qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc; cầu Hồng Ngự (Đồng Tháp) qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây (Long An). Các cầu này nằm trên địa bàn sáu tỉnh, thành là Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang và Vĩnh Long.

Cần hơn 157.500 tỉ phát triển hệ thống cảng thủy nội địa

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1829 phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, đến năm 2030, ngành giao thông sẽ phát triển kết cấu hạ tầng ĐTNĐ đồng bộ. Đồng thời từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khi thực hiện được kế hoạch đó, giao thông thủy sẽ góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Về vận tải bằng đường thủy: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn mỗi năm; đạt khoảng 397 triệu lượt hành khách. Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỉ tấn; luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỉ hành khách.

Nội dung quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa với tổng công suất khoảng 361 triệu tấn. Các cụm này được phân bố cân đối ở khu vực Bắc - Trung - Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm