TP.HCM phục hồi giao thông thủy chở khách liên tỉnh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Về hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường thủy, đến nay sở đã nhận được phản hồi của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang. Theo đó, từ ngày 1-11, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh nối TP.HCM và hai tỉnh trên sẽ chính thức hoạt động trở lại.

Đề nghị phục hồi vận tải hành khách đường thủy với bốn tỉnh

Sở GTVT TP.HCM cho biết từ ngày 18-10, sở đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị khôi phục hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa liên tỉnh.

Từ ngày 1-11, một số tuyến vận tải hành khách đường thủy ở TP.HCM
đi Đồng Nai, Tiền Giang hoạt động trở lại. Ảnh: ĐT

Việc tổ chức hoạt động lại các tuyến giao thông thủy tuân thủ theo các quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 10906 của Bộ GTVT về các quy định phòng chống dịch COVID-19 và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở GTVT tỉnh Bình Dương có ý kiến về việc mở lại hoạt động vận tải hành khách tại các bến khách ngang sông kết nối hai địa phương.

Tương tự, Sở GTVT TP cũng đề nghị Sở GTVT tỉnh Tiền Giang có ý kiến về việc mở lại hoạt động vận tải hành khách tại bến thủy nội địa liên tỉnh kết nối từ huyện Cần Giờ đi Gò Công Đông và ngược lại.

Cùng đó là đề nghị Sở GTVT Vũng Tàu có ý kiến về việc mở lại hoạt động vận tải hành khách - hàng hóa đường thủy theo tuyến cố định. Cụ thể là tuyến vận tải hành khách cố định bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu và ngược lại của Công ty TNHH Công nghệ xanh DP; tuyến vận tải hành khách - hàng hóa bằng tàu theo tuyến cố định từ huyện Cần Giờ đi TP Vũng Tàu và ngược lại.

Tiền Giang, Đồng Nai đã đồng ý kết nối

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách đường thủy nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, công nhân, chuyên gia... Đồng thời phục vụ kế hoạch phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ông An thông tin, đến nay sở đã nhận được phản hồi và đồng ý của Sở GTVT các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang. Theo đó, từ ngày 1-11, các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy từ TP.HCM đến hai tỉnh này và ngược lại sẽ chính thức được khởi động.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai đồng ý cho hoạt động lại các tuyến giao thông thủy gồm: Bến Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) - bến Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và bến TP Biên Hòa (Đồng Nai) - bến Gỗ (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Còn lại Tiền Giang, theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, đối với hoạt động vận tải hành khách tại bến thủy nội địa liên tỉnh kết nối từ Gò Công Đông đi huyện Cần Giờ (TP.HCM) và ngược lại, sở đã có ý kiến trình UBND tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã có ý kiến thống nhất cho kết nối lại tuyến giao thông thủy này.

Ông Bon cũng cho rằng việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường thủy nội địa sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19.

“Sở GTVT tỉnh Tiền Giang sẽ hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải cũng như phương án phòng chống dịch COVID-19. Sở cũng sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi quá trình hoạt động của đơn vị vận tải, nhu cầu của người dân và tình hình dịch bệnh để có sự điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng” - ông Bon thông tin.

Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở GTVT tỉnh này cho biết: Kế hoạch vận tải hành khách, hàng hóa liên tỉnh bằng đường thủy, sở đang trình UBND tỉnh và hiện chưa có phản hồi.

Ông Nguyễn Quốc Chánh, chủ đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, cho biết đến nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa đồng ý cho chạy lại tuyến phà biển này. “Nhiều người dân quan tâm, gọi điện thoại hỏi mua vé để được di chuyển bằng phà biển. Nhu cầu của người dân là có nhưng hai địa phương chưa thống nhất thì chưa thể đáp ứng được mong muốn của người dân” - ông Chánh nhận định.

Cũng theo ông Chánh, huyện Cần Giờ và TP Vũng Tàu đều là hai địa phương có dịch ở cấp độ 1 nên việc kết nối là hoàn toàn hợp lý. Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đã sẵn sàng chạy lại ngay khi hai địa phương đồng thuận.

 

Buýt sông đã hoạt động trở lại

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng, quận 1 - Linh Đông, TP Thủ Đức), trong vòng chín ngày hoạt động trở lại (từ ngày 18 đến 27-10), đơn vị đã đón gần 3.000 lượt khách. Điều này cho thấy bước đầu đã thu hút được hành khách tham gia di chuyển bằng buýt sông. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng dịch, hiện nay đơn vị chỉ vận chuyển 50% sức chở.

“Thời gian tới đơn vị vẫn tiếp tục vận hành để đáp ứng nhu cầu của khách. Chúng tôi quyết tâm kiểm soát dịch, tuân thủ các quy định phòng chống dịch để lộ trình kiểm soát dịch nhanh nhất. Từ đó, đưa hệ thống giao thông quay lại trạng thái bình thường mới” - ông Toản thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm