Người thanh niên đó là Trì Văn Cảnh, người Khmer, ở xã Hàm Giang (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Hiện mỗi tháng Cảnh xuất xưởng sản phẩm từ tre, trúc đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng, con số tuy không lớn nhưng đối với một cơ sở thủ công ở nơi vẫn còn nghèo khó này đó đã là thành quả đáng mừng.
Từ thợ giường tre…
Học xong phổ thông, ước mơ thi lên đại học không thành, Cảnh theo bạn bè lên Sài Gòn làm công nhân rồi cưới vợ, cũng là một công nhân cùng tỉnh với anh. Đồng lương công nhân eo hẹp chỉ đủ cho vợ chồng trang trải tiền ăn và tiền nhà trọ nên năm 2003 vợ chồng Cảnh về quê tìm nghề khác kiếm sống.
Về quê, vợ chồng anh sống chung với cha mẹ vợ, vốn có nghề đóng giường tre truyền thống. Với mong muốn sử dụng cây tre, cây trúc có sẵn ở quê để phát triển làng nghề truyền thống, Cảnh nhờ cha vợ truyền nghề cho mình. Những ngày đầu cầm đục, cầm cưa với Cảnh thật là khó khăn, phải mất cả tháng trời anh mới đóng được cái giường nho nhỏ cho một người nằm.
Nghề đóng giường tre truyền thống có ở Hàm Giang gần một trăm năm nay. Gọi là làng nghề nhưng nó không phải là nghề chính mà các hộ ở đây chỉ làm vào những ngày nông nhàn.
Trì Văn Cảnh đang giới thiệu về cách tận dụng những nguyên liệu thừa làm các sản phẩm nhỏ như đèn lồng, ấm, tách trà. Ảnh: N.NAM
Cảnh cho biết mới đầu nghề đóng giường mang lại cho anh thu nhập chừng hơn triệu đồng/tháng, tức cũng bằng đồng lương còm khi làm công nhân. Cơ duyên bắt đầu tìm đến khi một năm sau, Trung tâm Khuyến công của Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh tìm về làng anh đưa mẫu mã đóng salon (loại bình thường nhất) cho 10 hộ chuyên đóng giường tre làm thử. Chín hộ kia không làm được, chỉ có mình Cảnh đáp ứng yêu cầu. Từ đó, Trung tâm Khuyến công tạo điều kiện cho Cảnh đi học thêm nghề đóng salon bằng tre ở Tây Ninh.
Giờ thì Trung tâm khuyến công đi dự hội chợ triển lãm ở đâu cũng có sản phẩm của mình đi theo” - Cảnh hồ hởi khoe.
… Đến ông chủ triệu phú
“Khi đi học mới thấy mình quá phí phạm nguyên liệu. Ở đó, một mẩu tre vụn cũng được tận dụng làm thứ này thứ kia, thậm chí thành sản phẩm xuất khẩu. Trong khi mình chỉ có mỗi nghề đóng giường nên hễ tre không dùng được là vứt đi. Học xong về, mình mới bàn với vợ mua máy cưa, lăn mắt, bắn đinh, định hình… Giai đoạn đầu nguyên liệu hư nhiều, không sử dụng được luôn. Làm mấy cái ghế thì cái nào cái nấy bể giò hết, cây tầm vông thân mỏng nên vỡ mộng hết. Thợ của mình thì chưa ai biết cách làm với các loại máy móc này bao giờ, lại phải hướng dẫn anh em lần lần, đồng thời mình mời một người thợ trên Tây Ninh về chỉ dạy thêm mấy tháng nữa” - Cảnh nhớ lại.
Vốn liếng ban đầu của hai vợ chồng anh chỉ 40 triệu đồng, trong đó một nửa là từ tiền vay ngân hàng do cha mẹ vợ anh cho mượn bốn công ruộng để thế chấp. Sản phẩm mang giá trị thương mại lớn đầu tiên của anh là 20 bộ bàn ghế tầm vông cho Khu du lịch Ba Động ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) với số tiền lời lúc đó là… 1,2 triệu đồng. Cảnh bảo lời vậy là mừng rồi.
Bộ salon cắt xéo do Cảnh tự thiết kế mẫu mã đang xin đăng ký sở hữu trí tuệ. (Ảnh chụp lại từ album gia đình) Ảnh: N.NAM
Giờ thì Cảnh cho biết có thể “làm đủ thứ” từ đóng giường truyền thống đến các bộ salon sang trọng, từ bàn ghế gấp uống cà phê, ghế bố bãi biễn đến những chiếc giường hộp sành điệu dành cho các khách sạn hạng sang hay thậm chí cả đèn lồng, bộ ấm tách trà mang dáng thủ công mỹ nghệ. “Tất cả đều làm bằng nguyên liệu tre, trúc, tầm vông của quê mình, thứ nguyên liệu dồi dào với chất lượng không đâu sánh bằng. Có lẽ do thổ nhưỡng quê mình quá khắc nghiệt nên thân cây tre đặc, chắc mà lại dẻo dai” - Cảnh nói. Bây giờ, mỗi tháng Cảnh xuất xưởng sản phẩm mang lại doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Do cơ sở còn chật chội nên hàng làm xong anh gửi sang nhà hàng xóm, cứ đủ chuyến xe là anh lại cho người đi giao.
Ước mơ vực dậy làng nghề truyền thống
Đến nay Cảnh đã tự chủ động được mẫu mã nguồn hàng cho mình. Một số sản phẩm anh đã nghĩ đến việc đi đăng ký mẫu mã bản quyền sở hữu trí tuệ. Người trồng tre khắp huyện đã biết gom lại bán cho các vựa mối của anh. Khách hàng cũng dần tìm đến cơ sở của Cảnh ngày một đông hơn. Bạn hàng của anh không chỉ là những ông chủ nhà hàng, khách sạn sắp khai trương, những khu du lịch sinh thái, công ty nội thất lớn mà cả những quán cà phê, quán ăn sắp mở, những vựa chuyên bán nội thất… Hàng ngàn sản phẩm của anh đã có mặt không chỉ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà lên cả TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu…
Cảnh bảo cơ ngơi mình có được hôm nay phần lớn nhờ Trung tâm Khuyến công đã giúp anh quảng bá sản phẩm ở khắp các triển lãm lớn nhỏ. Đi đâu họ cũng cho anh theo để mở mang kiến thức. Không chỉ vậy, họ còn hỗ trợ cơ sở anh mua thêm máy móc phục vụ sản xuất.
Mơ ước của Cảnh là có thể mở mang cơ sở của mình lớn hơn nữa để giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho thanh niên địa phương. Anh giờ đã có trong tay 13 công nhân làm cho mình, trong đó có sáu thợ chính với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng bao cơm ăn. Với những đơn hàng lớn, yêu cầu làm nhanh, anh còn huy động cả học sinh làm bán thời gian vào buổi tối, giúp các em có thêm tiền mua sách vở, bút mực. Ngoài ra, Cảnh còn tạo công ăn việc làm cho những nông dân trồng tre, trúc để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở của mình.
“Mong ước hiện nay của mình là góp phần vực dậy làng nghề truyền thống có gần 100 năm tuổi của quê nhà. Đó cũng là kỳ vọng của các anh ở Trung tâm Khuyến công tỉnh nhà” - Cảnh nói.
Một người có tâm với nghề Chủ cơ sở vừa yêu nghề vừa có cái tâm muốn hướng tới cộng đồng, tức là vực dậy làng nghề truyền thống của quê hương, nâng nó lên thành một nghề có giá trị thương phẩm cao, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương. Vì vậy, chúng tôi đã chọn cơ sở của Cảnh làm hạt nhân, doanh nghiệp đầu mối trong khu vực làng nghề để hướng cơ sở đi đến sản xuất quy mô hơn, đa dạng sản phẩm hơn. Trung tâm Khuyến công của Sở Công Thương đã tạo điều kiện cho Cảnh đi học, tham quan nhiều mô hình sản xuất tương tự ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… để anh mở mang kiến thức. Qua những lần đi thực tế, Cảnh đã hiểu phải nâng cao chất lượng sản phẩm mới tồn tại được. Đến nay, sản phẩm của cơ sở Cảnh đã có được chỗ đứng ở nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… Trung tâm Khuyến công ngoài hỗ trợ máy móc, thiết bị thì cơ bản là hỗ trợ đầu ra cho cơ sở. Khi cơ sở Cảnh phát triển sẽ tác động đến các hộ sản xuất nhỏ lẻ ở xung quanh cung cấp sản phẩm thô cho Cảnh như thanh tre, vạc tre, ống tre… Sở đang làm đề án trình UBND tỉnh công nhận làng nghề sản phẩm từ tre, trúc, tầm vông xã Hàm Giang. Ông NGUYỄN QUỐC TUẤN, |
NHẪN NAM