Xe ben, xe bồn cơi nới hết đường chạy

Cắt, gọt thùng ba lần

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR), đến trước ngày 1-10-2012 (ngày Thông tư 32/2012 của Bộ GTVT quy định về giới hạn kích thước thùng xe ben, xe bồn có hiệu lực), trong 61.173 xe ben trên cả nước thì có đến 75% xe có thể tích thùng vượt quá quy định. Thậm chí có xe còn vượt tới 300%.

Theo Cục trưởng VR - ông Trần Kỳ Hình, từ sau thời điểm 1-10-2012, nhiều xe ben sau khi kiểm định, được cấp giấy chứng nhận và tem đã được chủ xe thay thùng khác hoặc cơi nới thêm thùng. Tại một số tỉnh đã xuất hiện một số cơ sở sửa chữa, đóng thùng ben “đúng chuẩn” cho thuê để đi kiểm định.

Theo ông Châu Văn Dũng, Trưởng trạm Đăng kiểm 61-02S tỉnh Bình Dương, nhằm ngăn chặn triệt để việc cơi nới thùng sau khi đăng kiểm, tất cả xe ben khi vào kiểm định đều phải cắt gọt các cột chờ, mặt vết cắt phải được mài nhẵn và sơn phủ. “Có xe phải cắt gọt cột chờ đến ba lần chúng tôi mới cho kiểm định!” - ông Dũng cho biết. Còn theo Phó Cục trưởng VR - ông Nguyễn Minh Cương, trạm đăng kiểm nào bỏ qua lỗi thùng ben còn dấu vết của việc cơi nới như vết cắt nham nhở, chưa mài nhẵn, sơn lại, có cọc chờ để có thể nới thùng đều bị xử nghiêm.

Một xe ben ở Bình Dương đăng cắt, gọt lại thùng trước khi đi kiểm định. Ảnh: L.ĐỨC

Kiểm gắt, xe bồn chạy vòng vòng

Theo VR, cả nước hiện có hơn 6.840 xe bồn các loại được nhập, sản xuất, lắp ráp, cải tạo và lập hồ sơ kiểm định trước 1-10-2012. Trong đó có tới 60% xe có thể tích bồn vượt quy định sức chở, có xe vượt trên 400%.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V TP.HCM, bồn dùng để chở các loại nhiên liệu, chở khí CNG, LPG hoặc xi măng rời… được lắp đặt trên hoặc kéo sau xe ô tô là 1/54 hạng mục phải kiểm định. Sau khi Thông tư 32 có hiệu lực, Trung tâm 50-07V từng phát hiện nhiều loại bồn được cơi nới, “độ” thêm cả chiều dài, rộng và cao. Việc “độ” thêm này sẽ làm cho tự trọng của xe và tải trọng chở của xe tăng lên, không phù hợp với kết cấu, thiết kế, công suất của xe ô tô chở, kéo bồn. Do đó các loại xe này thuộc diện không đạt tiêu chuẩn an toàn, không được kiểm định, cấp giấy chứng nhận và dán tem đăng kiểm.

“Có nhiều xe bồn “độ, chế” bị đăng kiểm phát hiện sau đó đã lắp lại bồn nguyên thủy vào để đi kiểm định lại. Sau khi kiểm định đạt, chủ xe lại lắp bồn “độ, chế” lên chạy” - ông Hùng thông tin.

Theo ông Hoàng Văn Ái, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 60-01S tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây nhiều xe bồn rớt đăng kiểm ở TP.HCM đã chạy lên Đồng Nai để xét lại. Qua nhận dạng ban đầu, các loại xe này là ba cầu nhưng gắn bồn tới 16.000 lít, không phải loại 12.000 lít theo quy chuẩn nên đăng kiểm Đồng Nai cũng không chấp nhận. Sau đó khi biết các trạm đăng kiểm ở Đồng Nai không chỉ kiểm gắt về kích thước mà còn siêu âm các mối hàn, van xả, kiểm tra bulông gắn kết… thì số xe này “bỏ chạy” luôn.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

 

Gắn ảnh và kiểm tra trên đường

Theo chương trình của VR, tới đây sẽ đưa ảnh xe kiểm định vào giấy chứng nhận kiểm định để khắc phục tình trạng kiểm định xe có thùng sai quy định; chủ xe tự cơi nới, cải tạo tăng kích thước thùng hàng, bồn sau khi đăng kiểm; mượn thùng xe, bồn để đi kiểm định… Với các xe có thùng hàng, bồn lớn có nguy cơ chở quá tải cao sẽ dán loại tem riêng với vạch màu đỏ để dễ nhận biết khi kiểm tra, kiểm soát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới