Xe buýt xanh tại TP.HCM, mới ‘chớm nở’ đã gặp khó

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM cho rằng việc phát triển mạng lưới xe buýt sử dụng năng lượng sạch gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư cao, nguồn cung và trạm cung cấp nhiên liệu hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nội dung này được Sở GTVT TP gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM để báo cáo tình hình thực hiện chủ trương đầu tư phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn.

Theo đó, Sở GTVT TP cho biết trong tổng số 127 tuyến xe buýt đang hoạt động hiện có gần 500 xe được sử dụng nhiên liệu CNG và một tuyến buýt điện (quy hoạch có 5 tuyến).

Sở GTVT TP cho biết hiện xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG gặp khó khăn về trạm nạp khí CNG, hiện chỉ có 3 trạm, với công suất 180 lượt xe/ngày. Theo đó, với hệ thống trạm tiếp nhiên liệu như trên là quá ít, không thuận tiện.

Mặt khác, chi phí đầu tư mua mới xe sử dụng. CNG cũng có giá cao hơn các loại xe sử dụng nhiên liệu từ 20% đến 50%. Vì vậy, các đơn vị vận tải còn hạn chế việc đầu tư. Chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện cũng cao hơn so với xe buýt diesel và xe buýt CNG.

Từ đó, dẫn đến trợ giá vận hành các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch cũng cao hơn và cần có mức giá phù hợp mới có thể khuyến khích loại hình phương tiện này.

Theo Sở GTVT TP, hiện Sở đã tham mưu UBND TP.HCM xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn. Kế hoạch này sẽ phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường giai đoạn từ năm 2021 – 2030.

Giải pháp lâu dài, Sở GTVT cho biết sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển mạng lưới xe buýt điện cho từng giai đoạn. Đồng thời, TP sẽ đưa ra các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường buýt điện và sử dụng buýt điện vào việc cung ứng dịch vụ vận tải.

Sở GTVT đã kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, kiến nghị các bộ ngành ban hành khung pháp lý đồng bộ về phát triển năng lượng tái tạo phù hợp để nhanh chóng tiến tới thực hiện mục tiêu cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.

Đối với hạ tầng trạm sạc, Sở GTVT TP kiến nghị cần được đầu tư song hành với việc phát triển xe buýt điện. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sạc điện cho xe và bảo dưỡng sửa chữa ở mức độ thuận tiện.

TP cũng cần tham gia góp ý với Bộ GTVT về xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi kỹ thuật xe buýt trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm