Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus Chi nhánh TP.HCM (Công ty VinBus), chủ đầu tư các tuyến xe buýt điện, vừa gửi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (thuộc Sở GTVT TP.HCM) kế hoạch lùi thời gian hoạt động các tuyến xe buýt điện. Theo đó, đơn vị này cho biết năm 2022 chưa thể vận hành bốn tuyến như dự kiến, phải lùi qua năm 2023.
Dù hiệu quả nhưng vẫn nhiều khó khăn
Đi vào hoạt động từ đầu tháng 3-2022, tuyến xe buýt điện đầu tiên (tuyến D4) ở TP.HCM đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Số lượng hành khách đi xe buýt điện tăng bởi sự tiện lợi và cũng một phần vì tuyến này kết nối với một số khu dân cư đông đúc.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi làm việc ở quận 1, nhà lại ở khu vực có VinBus chạy qua nên hằng ngày đều sử dụng xe buýt này để đi làm. Loại hình xe buýt điện êm, sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình khiến nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, tôi mong muốn các hình thức thanh toán được mở rộng hơn để khách hàng có nhiều kênh lựa chọn”.
Công ty VinBus cho biết xe buýt điện hoạt động với mục tiêu góp phần tham gia xây dựng mạng lưới giao thông công cộng TP.HCM xanh, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Tại thời điểm mở tuyến D4, VinBus đề xuất đưa vào thí điểm vận hành năm tuyến xe buýt điện có trợ giá, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, trong quý I-2022 đưa vào vận hành tuyến Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (tuyến D4); giai đoạn 2 đưa vào vận hành bốn tuyến xe buýt điện còn lại trong quý III-2022 sau khi xây dựng xong depot.
Xe buýt điện ở TP.HCM được đánh giá thân thiện với môi trường, thuận lợi trong quá trình |
Tuy nhiên, đến thời điểm này Công ty VinBus cho biết đơn vị đang gặp khó khăn do vướng mắc trong thủ tục xây dựng depot và vấn đề trợ giá, đơn giá…
Công ty VinBus cũng cho biết hiện công ty đã có quỹ đất và đã làm các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án xây dựng depot. Tuy nhiên, quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước. Không chỉ vậy, quy trình thẩm định, phê duyệt từ nhiều sở, ban ngành khác nhau nên thời gian hoàn thành kéo dài.
Bên cạnh đó, tỉ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện là 44,1%, tương ứng với mức khoán doanh thu vé đạt 55,9% chi phí hoạt động. Mức khoán này là quá cao và khó có thể đạt được với tuyến xe buýt mở mới như D4.
VinBus ước tính khối lượng vận chuyển bình quân cần đạt trên 60 hành khách/chuyến mới có thể đạt được mức khoán. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho loại hình xe buýt điện nên đang áp dụng mức đơn giá cố định cho xe buýt CNG cũng là khó khăn cho doanh nghiệp.
Xây dựng mô hình chuyển đổi năng lượng xanh
Với các lý do trên, Công ty VinBus cho rằng việc đưa vào vận hành bốn tuyến xe buýt điện là chưa thể thực hiện trong năm 2022. Theo đó, đơn vị này dự kiến vận hành bốn tuyến trên trong năm 2023. Trong đó, kế hoạch xây dựng depot hoàn thành trong quý III-2023 và vận hành tuyến trong quý IV-2023.
Sở GTVT TP đánh giá xe buýt điện thân thiện với môi trường, hỗ trợ tốt cho người khuyết tật, thuận lợi trong quá trình di chuyển nên cần thiết triển khai thực hiện.
Liên quan đến lĩnh vực giao thông xanh, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2020, sở đã đặt ra lộ trình.
Trong đó, từ nay tới năm 2025 sẽ có 100% xe buýt cũ được thay mới, sử dụng điện, năng lượng xanh; vận tải hành khách công cộng tại TP đạt 25%.
Từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% xe buýt và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Sở GTVT đã gửi lộ trình này tới các hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP, Vận tải hàng hóa TP… Đồng thời, sở cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu phương án kinh doanh, thay thế xe cho phù hợp theo lộ trình.
Sở GTVT cũng đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng khẩn trương tham mưu cho sở để thực hiện xây dựng định mức dự toán, đơn giá cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện. Từ đó, đảm bảo pháp lý phục vụ công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành khi đưa xe buýt điện vào khai thác.•
Xe buýt điện áp dụng chính sáchgiảm giá
Tháng 3-2022, VinBus đã đưa vào thí điểm tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn). Đây cũng là tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP. Tuyến D4 có cự ly 29 km, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ 15 hằng ngày, tần suất
20 phút/chuyến, phù hợp với lộ trình của nhiều người dân.
Ngoài tuyến xe buýt điện D4, VinBus đề xuất thí điểm bốn tuyến xe buýt điện tại TP.HCM bao gồm: Vinhomes Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, Vinhomes Grand Park - Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Miền Đông mới - khu đô thị ĐH Quốc gia.
Hiện nay, VinBus đang áp dụng chính sách giá vé chung của TP với những chuyến xe trợ giá. Cụ thể, giá vé là
3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại.