Xe công nghệ: Từ bài toán di chuyển đến cơ hội chuyển đổi số

Cách đây khoảng 10 năm, khi có nhu cầu "gọi xe", người dùng chỉ có thể gọi xe qua tổng đài hoặc vẫy xe ngoài đường. Thời điểm ấy, chẳng ai nghĩ, một ngày nào đó, chúng ta có thể lựa chọn phương tiện di chuyển ở hầu hết mọi ngóc ngách, bất kỳ lúc nào, biết trước chi phí, thậm chí là thanh toán trực tiếp bằng điện thoại di động.

Ứng dụng đã làm thay đổi khái niệm về di chuyển

Giờ đây, việc “đặt xe công nghệ”, hay một cách dân dã “Grab đi” từ lâu đã trở thành thói quen của hàng triệu người dân. Các bác tài, những người vốn chỉ biết đứng ở nơi đông người đợi khách, nay cũng chuyển sang dùng app, nhận cuốc xe, bật dẫn đường, chủ động thực hiện dịch vụ để tăng sinh kế.

Có thể nói, bài toán di chuyển của người Việt đã xoay chuyển cục diện đáng kể từ khi những ứng dụng đặt xe đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014... Suốt nhiều năm sau đó, thị trường từ “lạ” thành “quen”, chứng kiến thêm sự thay đổi ở phân khúc bốn bánh, rồi hai bánh với nhiều “tay chơi” mới.

Grab trở thành từ ngữ quen thuộc của hàng triệu người dân. Ảnh: TNO

Bằng chứng là, thị trường “gọi xe” Việt Nam duy trì mức tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2015-2019 lên tới 57% (cao nhất ở Đông Nam Á). Còn theo báo cáo của Google và Temasek năm 2020, quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam ở mảng di chuyển và giao nhận thức ăn tăng trưởng đến 50%, đạt giá trị khoảng 1,6 tỉ USD. Đến năm 2025, mảng kinh doanh này được dự báo có thể đạt giá trị 7 tỉ USD, tức tăng gấp hơn 4 lần.

Sự gia nhập và phát triển mạng lưới của các ứng dụng công nghệ đã góp phần giải quyết bài toán giao thông và di chuyển ở những đô thị lớn, góp phần mang lại thói quen di chuyển văn minh cho người Việt.

Mới đây, Grab chính thức triển khai dịch vụ GrabCar tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), đánh dấu sự có mặt của siêu ứng dụng này tại TP biển đầu tiên của Việt Nam.

“Sau gần 7 năm hoạt động, một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hỗ trợ tất cả địa phương, dù ở đất liền hay biển đảo, vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận công nghệ và trở thành một thành tố trong nền kinh tế số”, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam chia sẻ.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Không chỉ dừng lại ở việc “gọi xe”, các nhu cầu, hoạt động đời sống của người dân đã được giải quyết triệt để bằng công nghệ, từ di chuyển, ăn uống, đến nhu cầu mua sắm, y tế, giáo dục…

Với lợi thế từ mạng lưới tài xế đông đảo, Grab dần mở rộng ra các lĩnh vực như giao nhận thức ăn, thanh toán điện tử (thông qua hợp tác với Moca), giới thiệu các dịch vụ mới.

Vào tháng 3-2020, ngay giữa lúc giãn cách xã hội, Grab nhanh chóng ra mắt GrabMart và GrabAssistant để giúp người dân “đi chợ" trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Cũng trong tháng 3 này, Grab ghi nhận số lượng người dùng lần đầu thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng Grab tăng đến 22,5% so với tháng trước đó…

Gần đây nhất, Grab còn triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart.

Nỗ lực đổi mới của Grab trước những thay đổi lớn về thói quen của người tiêu dùng đã góp phần giúp Chính phủ đẩy nhanh và hiệu quả quá trình số hóa trong đại dịch COVID-19.

Tiện ích từ các siêu ứng dụng và thanh toán không tiền mặt đã tạo thói quen tiêu dùng mới cho người dân Việt

Thế nhưng, chuyển đổi số ở Việt Nam, theo giới chuyên gia, chỉ mới ở dừng ở bước khởi đầu, còn nhiều thách thức về tầm nhìn, lộ trình, cách tận dụng những nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp và cả quyết tâm của các địa phương.

“Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người”, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng, đã nhận định tại diễn đàn cấp cao công nghệ TT&TT Việt Nam năm 2020.

Chính phủ đã đồng ý, cơ hội từ thị trường đã có. Thế nhưng, các địa phương có chịu gia nhập tiến trình chuyển đổi số hay không và tiếp cận như thế nào còn là bài toán mà mỗi tỉnh, thành phố sẽ có lời giải riêng. Tuy nhiên, lời giải đó chắc chắn không thể thiếu vắng những doanh nghiệp, đơn vị đổi mới sáng tạo như Grab phụ trợ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới