Bộ GTVT vừa hoàn thành chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Lần này, Bộ GTVT tiếp tục giữ quan điểm quản loại hình Grab như taxi truyền thống.
Coi Grab là vận tải
So với dự thảo trước, dự thảo nghị định lần này có điều chỉnh một số từ ngữ trong khái niệm về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô nhưng nội hàm vẫn giữ nguyên.
Cụ thể, khoản 1 Điều 3 tiếp tục quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Các công đoạn chính gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm)”.
Với quy định này, có thể hiểu các hoạt động của loại hình Grab được xem là hoạt động vận tải. Theo Bộ GTVT, khái niệm trên có hai luồng ý kiến. Trong đó, ý kiến đồng ý cho rằng việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu nên cần định nghĩa cụ thể về hoạt động kinh doanh vận tải để rành mạch giữa các đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp ứng dụng, qua đó xác định rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải. “Đây là đề xuất của các hiệp hội taxi, Bộ Công Thương và một số ý kiến tham gia góp ý của tổ chức, cá nhân…” - một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Trái lại, nhóm người không đồng tình khẳng định quy định này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ý kiến này không được Bộ GTVT đồng thuận.
Bộ GTVT muốn quản lý Grab như taxi truyền thống. Ảnh: Hoàng Giang
Hai phương án quản Grab
Bên cạnh đó, dự thảo lần này tiếp tục giữ quan điểm như lần trước, đó là bổ sung loại hình Grab vào nhóm taxi truyền thống. Cụ thể, tại Điều 6 bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm.
Theo đó, các xe này phải có hộp đèn với chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe theo quy định của bộ trưởng Bộ GTVT. Trên xe phải có thiết bị được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách, đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm thông tin về hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả bằng tiền Việt Nam (VND)...
“Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ” - Bộ GTVT lý giải.
Bộ GTVT nhận định việc bổ sung các quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm là hoạt động chưa được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng Bộ lý giải: Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đang được thực hiện mạnh mẽ. Đồng thời, theo đề nghị của các hiệp hội taxi, cần thiết phải có quy định để nhận diện và đồng nhất đối với các xe ứng dụng công nghệ có sức chứa dưới chín chỗ.
Theo đó, Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án. Thứ nhất, như Bộ GTVT đã trình ở trên. Phương án hai (theo đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội và TP.HCM), quy định toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới chín chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả các phương tiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử như đang hoạt động thí điểm hiện nay) phải là taxi. Bộ GTVT thống nhất phương án thứ nhất và xin ý kiến thành viên Chính phủ xem xét, quyết định.
Giữa tháng 3-2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thể cho rằng hoạt động Uber, Grab bản chất là taxi áp dụng công nghệ trong kết nối với tài xế, chủ hãng. Vì vậy phải định danh Uber, Grab là taxi ứng dụng công nghệ cao. Nếu Uber, Grab cho rằng họ chỉ là đơn vị kinh doanh công nghệ cao, Bộ GTVT sẽ không quản lý mà chuyển sang Bộ Công Thương. Còn một khi Bộ GTVT vẫn quản lý thì đó là hoạt động vận tải và Bộ GTVT phải quản Uber, Grab như một taxi. “Nếu dự thảo đợt này không có nội dung quản lý Uber, Grab như một hãng taxi thì tôi sẽ không trình Chính phủ bởi tôi là người chịu trách nhiệm chính về nghị định này” - Bộ trưởng Thể khi đó nhấn mạnh. Tại cuộc họp đó, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết ban đầu dự thảo nghị định xếp loại hình Uber, Grab vào xe hợp đồng. Nhưng với những chỉ đạo trên của bộ trưởng, Bộ sẽ đưa loại hình này vào nhóm taxi để quản lý. Tài xế Uber, Grab cũng sẽ được quản lý. “Nói tóm lại, các điều kiện sẽ tương đương như taxi truyền thống. Uber, Grab phải đăng ký kinh doanh vận tải và thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam” - bà Hiền khẳng định. _____________________________ Chưa có chế tài xử lý các công ty phần mềm Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết hiện nay chưa có chế tài để xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab mà chỉ có thể tăng cường xử lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia Uber, Grab nếu có vi phạm. Cụ thể, thời gian qua Grab triển khai ứng dụng GrabShare (đi chung xe) không nằm trong thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Mặc dù Bộ GTVT đã có văn bản không đồng ý cho triển khai dịch vụ này nhưng Grab vẫn tiếp tục triển khai và Bộ không thể xử lý vì chưa có quy định. |