Trong văn bản góp ý về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014. Hiệp hội Taxi Hà Nội yêu cầu Bộ GTVT bổ sung phải niêm yết biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải vào hai cánh cửa của phương tiện, kích thước logo tối thiểu 20 x 30 cm.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về màu sắc biển số đối với xe kinh doanh vận tải, theo hướng tất cả xe kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển số có một màu riêng. Theo đó, đơn vị này đề xuất màu vàng.
Đồng quan điểm, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cũng kiến nghị Bộ GTVT cần ban hành quy định về nhận diện xe hợp đồng dưới chín chỗ. Cụ thể, phải có logo, trên nóc gắn hộp đèn có tên đơn vị vận tải…
Năm 2017 ghi nhận cuộc chiến khốc liệt giữa Uber, Grab và taxi truyền thống.
Đáng chú ý trong kiến nghị này, Hiệp hội Taxi TP.HCM đề nghị Bộ GTVT loại bỏ chế định xe hợp đồng điện tử đối với ô tô dưới chín chỗ ngồi trở xuống trong chương IV quy định về hợp đồng vận tải, tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ. Nguyên nhân, quy định này không phù hợp cả về lý luận là thực tiễn. Theo đó, đơn vị này muốn quản Uber, Grab như taxi truyền thống.
Ông Tạ Long Hỷ cũng cho rằng chỉ có hai ông chủ nước ngoài (Uber, Grab), chỉ trong hai năm đã có thể khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, đẩy nhiều hãng taxi truyền thống đi đến giải thể, phá sản. Ông Hỷ đặt câu hỏi đây có phải do chính sách Nhà nước đã tạo ra hậu quả và hệ lụy này hay không. Vì vậy, ông Hỷ kiến nghị Bộ GTVT cần sớm có sự điều chỉnh chính sách để ổn định tình hình.
“Cần nói thêm rằng Luật Cạnh tranh quy định một doanh nghiệp khi chiếm hữu trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền. Hiện tại cả Uber, Grab đều đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam, liệu đã coi là kinh doanh độc quyền chưa” - ông Hỷ đặt vấn đề.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng kiến nghị gỡ bỏ một số điều kiện đối với taxi truyền thống theo hướng tương đồng với loại hình Uber, Grab đang điều hành. Theo ông Hỷ, phải quy định như vậy mới công bằng, bình đẳng.