Linh kiện nhập khẩu giảm có ảnh hưởng đến giá bán ô tô?

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan thì linh kiện và phụ tùng ô tô được các doanh nghiệp nhập khẩu trong tháng 6 có 279 triệu USD. Trong khi đó con số này của tháng trước là 162 triệu USD. Như vậy, linh kiện và phụ tùng ô tô các loại được nhập về Việt Nam trong tháng này tăng tới 72,7% so với tháng trước.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng qua có xuất xứ rất đa dạng, chủ yếu từ Hàn Quốc với 94,3 triệu USD, tăng gấp 2 lần; từ Nhật Bản với 55,2 triệu USD, tăng 46,2%; từ Trung Quốc với 47,1 triệu USD, tăng 40,9%; từ Thái Lan với 32,3 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng trước.

Thị trường ô tô đang dần khởi sắc sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Tính chung, linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 4 thị trường, nước xuất xứ này là 229 triệu USD, chiếm tỉ trọng 82% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô của cả nước trong tháng qua.

Như vậy, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,61 tỉ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với số lượng giảm đáng kể này, nhiều người dân lo sợ liệu vấn đề này có ảnh hưởng đến quá trình lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước và đặc biệt có tác động đến giá bán ô tô trong thời gian tới.

Theo khảo sát của PV, thay vì tăng giá như mọi người dự đoán, các hãng ô tô liên tục tung ra nhiều chương trình giảm giá đặc biệt nhằm vực dậy doanh số sau thời gian ảm đạm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, mẫu xe giảm giá mạnh nhất có thể kể đến Ford Everest với hơn 100 triệu đồng. Cụ thể, mẫu Ford Everest với chương trình mức giảm từ 85-130 triệu đồng tùy từng viên bản.  

Cùng với đó, Ford Explorer cũng đang được giảm giá lên tới 94 triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng khi mua xe còn được gói ưu đãi phụ kiện kèm theo xe.

Hay như với phiên bản Honda CR-V 2020 mới về lắp ráp tại Việt Nam cũng đang được tổng ưu đãi khoảng 80 triệu đồng. Một số mẫu xe khác cũng có sự giảm nhẹ từ 10-50 triệu đồng như Hyundai Kona, Honda City, Toyota Corolla Altis…

Một số mẫu xe sang cũng không ngoại lệ khi liên tục giảm giá như BMW X3 giảm đến 185 triệu đồng, Range Rover Sport, Range Rover Vogue và Range Rover Autobiography LWB đều được tặng kèm bệ tước tự động chính hãng có trị giá lên tới 260 triệu đồng và một số chương trình của Mercedes-Benz.

Theo một vị đại diện hãng xe Mercedes chia sẻ, một kế hoạch sản xuất kinh doanh phải có trước 6 tháng hoặc thậm chí cả năm, vì vậy thời điểm này các hãng xe cũng đã nhập đủ số linh kiện cần thiết trong năm đó.

“Thông thường, khi sản xuất ra một chiếc xe, nhà máy, máy móc, trang thiết bị đầu tư phụ tùng, linh kiện nhập khẩu trước 1 năm”- vị này nhấn mạnh.

Cũng theo vị đại diện này, việc giảm số lượng linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu có thể là sự điều chỉnh chính sách sản xuất của các hãng ô tô, nó không tác động nhiều vào giá bán của xe. Đặc biệt, trong thời điểm này do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp cả Việt Nam và các nước sản xuất linh kiện. Do đó, thống kê tình hình nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô giảm theo dựa trên tình hình thị trường.

 

Thị trường ô tô đang vực dậy

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường của các thành viên trong tháng 7 đạt 24.065 xe, tăng nhẹ 0,3% so với tháng 6 nhưng vẫn giảm 13% so với tháng 7 năm 2019.

Trong đó, có 17.593 xe du lịch (tăng 0,1% so với tháng trước), 6.133 xe thương mại (tăng 0,4 % so với tháng trước) và 339 xe chuyên dụng (tăng 10% so với tháng trước).

Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.088 xe, tăng 2% so với tháng trước. Số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 7.977 xe, giảm 2% so với tháng trước.

Cộng dồn 7 tháng đầu năm của các thành viên VAMA đạt 126.088 chiếc, giảm đến 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm