Tại các TP lớn, hiện tượng xe máy không được trang bị gương xảy ra rất phổ biến. Ngoài việc không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người điều khiển xe còn bị phạt tiền.
Gương chiếu hậu là bộ phận được thiết kế trên xe dùng để quan sát phía sau. Vì vậy, cả ô tô và xe máy đều phải đáp ứng được yêu cầu này mới được lưu thông trên đường.
Điều đặc biệt giữa ô tô và xe máy, khi ô tô yêu cầu phải có đủ gương chiếu hậu ở cả hai bên thì xe máy chỉ cần có gương bên trái. Tuy nhiên, gương trái được trang bị phải đủ tiêu chuẩn.
Cụ thể, Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, mức xử phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy không gương đối với xe máy là 100.000-200.000 đồng. Người điều khiển xe máy thiếu gương bên phải sẽ không bị phạt.
Xe máy không được trang bị gương bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng. Ảnh minh họa
Riêng đối với ô tô, mức phạt từ năm 2020 với hành vi lái xe không có gương chiếu hậu là 300.000-400.000 đồng.
Ngoài ra, một số trường hợp xe máy có đủ hai gương hoặc đủ gương bên trái vẫn bị xử phạt. Đơn cử như việc có gương nhưng gương không có tác dụng.
Gương xe máy không có tác dụng là gương không đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, kích thước, hệ số phản xạ, bề mặt phản xạ, độ bền va chạm… được quy định tại QCVN 28:2010/BGTVT.
Để xác định được việc này, ngoài việc kiểm tra kỹ thuật theo quy chuẩn, trước hết có thể quan sát bằng mắt thường. Gương phải có tác dụng phản xạ và phải điều chỉnh được vùng quan sát. Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2. Trong trường hợp gương cầu, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm. Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi...
Lời khuyên tốt nhất cho người điều khiển xe máy là không nên thay đổi gương đã được nhà sản xuất trang bị theo xe để đảm bảo an toàn và không bị “tuýt còi”.