Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh: Mong sớm xử lý triệt để

(PLO)- Nhiều bạn đọc bức xúc trước vấn nạn xe thô sơ, tự chế vận chuyển hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường phố và kiến nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục vấn nạn trên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: Va chạm với xe xích lô chở sắt ở quận 10, người phụ nữ chạy xe máy tử vongthông tin vụ tai nạn khiến một người tử vong do va chạm với chiếc xích lô chở thanh sắt vào ngày 7-11. Sau đó, Công an quận 10, TP.HCM đã tiến hành điều tra nguyên nhân.

Bình luận về sự việc thương tâm trên, nhiều bạn đọc bày tỏ tiếc thương đối với nạn nhân và bức xúc với tình trạng nhiều phương tiện chở hàng cồng kềnh hoành hành trên đường. Một số bạn đọc đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn trên.

cho hang cong kenh.PNG
Xe ba gác chở tôn dài khoảng 10m, lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Thiên Thảo

“Hung thần” xe thô sơ chở đồ cồng kềnh

Bạn đọc Ngọc Nguyễn bày tỏ: “Tôi còn nhớ như in vụ tai nạn một đứa bé tử vong do tấm tôn từ chiếc xích lô vô tình cứa vào cổ ở Hà Nội, bây giờ lại thêm một vụ thương tâm. Tôi rất xót xa và xin chia buồn cùng gia đình nạn nhân”.

“Đã có quy định cụ thể về hành vi chở hàng hóa cồng kềnh nhưng tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn? Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý? Cứ để “mất bò mới lo làm chuồng” thì bao giờ mới hết những vụ tai nạn đáng tiếc đây!” - bạn đọc Ngọc Nhi viết.

Bạn đọc Lê Mai chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng bắt gặp xe máy, xe ba gác, xích lô chở vật liệu xây dựng với tải trọng, kích thước vượt mức cho phép di chuyển trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Có người còn lái xe máy chở theo tủ lạnh, tủ quần áo, nệm,… Chẳng may va quẹt trúng họ thì nguy cơ cao bị hàng hóa đổ ập lên người. Bị thương cũng không thể bắt đền vì đa số rất hung tợn, thậm chí quay sang chửi mắng, đánh cả người bị nạn”.

Tương tự, bạn đọc Trần Nam cho rằng: “Biết là cuộc sống mưu sinh nhưng nhiều tài xế chở hàng quá khổ, vật liệu sắt nhọn rất chủ quan và liều lĩnh. Tôi từng bắt gặp một chiếc ba gác chở sắt thép dài quá thùng xe nhưng buộc dây lỏng lẻo, phóng nhanh, tạt đầu xe, vượt đèn đỏ. Không thể lấy lý do chén cơm manh áo mà vi phạm pháp luật, xem thường tính mạng của người khác như vậy”.

Cần xử lý tận gốc

Bạn đọc Ngân Võ góp ý: “Tôi kiến nghị cần nâng mức xử phạt đối với hành vi vận chuyển hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép. Đồng thời, cần ra quân kiểm tra, xử lý thường xuyên, nhất là các con phố đông đúc dân cư và phương tiện qua lại. Như vậy mới đảm bảo an toàn cho người dân và giữ được mỹ quan đô thị cho thành phố”.

“Người chở sai 1 thì chủ thuê sai đến 10. Dù biết rõ mất an toàn nhưng vẫn bất chấp thuê xích lô, xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa quá khổ. Do vậy, cần có quy định rõ về trách nhiệm của người thuê trong trường hợp người được thuê vận chuyển hàng gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là gây chết người” - bạn đọc Linh Nhi viết.

Bạn đọc Tấn Phát bày tỏ: “Tôi đề nghị tịch thu tất cả xe tự chế, cũ nát, cơi nới vô tội vạ để tăng dung tích xe, thuận tiện xếp hàng hóa hơn mức cho phép. Xử lý tận gốc bằng cách yêu cầu các tiệm sửa xe ký cam kết không “độ”, thay đổi cấu trúc xe thô sơ. Nếu vi phạm thì xử phạt nghiêm minh, vi phạm nhiều lần thì tước giấy phép kinh doanh để răn đe”.

Bạn đọc Văn Lực chia sẻ: “Nhiều người lựa chọn xe xích lô, ba gác, một phần do tính hữu dụng và tiện lợi. Xe tải không thể len lỏi vào những con hẻm nhỏ và hẹp, trong khi, xe thô sơ lại làm được điều đó. Do vậy, tôi cho rằng cần có loại xe chuyên chở hàng cồng kềnh, sắt nhọn phù hợp với đường hẻm sâu, hẹp. Mức giá cũng nên phù hợp với đa số người dân để họ yên tâm lựa chọn”.

Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh bị xử phạt như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác có hành vi vi phạm: điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người, sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, mức phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; khi có tình tiết định khung tăng nặng, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Luật sư ĐỖ TRÚC LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm