Tính đến thời điểm sáng 18-3, đã có hơn 1.700 trẻ ở Bắc Ninh được làm xét nghiệm sán lợn, trong đó đã xác định 209 ca dương tính. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con lên Hà Nội xét nghiệm.
Theo cập nhật của PV, từ 3h sáng 18-3 đã có rất nhiều phụ huynh đưa con đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương để làm các xét nghiệm.
Người nhà xếp hàng từ sớm để xét nghiệm cho con. Ảnh: Hà Phượng
Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, hầu hết trẻ có kết quả dương tính với sán lợn đều khỏe mạnh, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh. Để đảm bảo việc khám chữa bệnh chính xác hiệu quả, các phụ huynh cần phải bình tĩnh, không đưa con đến viện ồ ạt.
Hiện chưa rõ nguyên nhân số lượng lớn trẻ em ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn. Các chuyên gia cho rằng việc nhiều trẻ trong một khu vực cùng mắc sán là bất thường, cần điều tra dịch tễ để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo bác sĩ Trần Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong nhóm các trẻ Bắc Ninh đến khám, tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính với sán lợn dao động 10-15% tùy xã khác nhau.
“Trong 461 mẫu xét nghiệm của BN ngày 16-3 tại BV Nhiệt đới đã khẳng định chắc chắn 58 mẫu dương tính. Một số mẫu nghi ngờ sẽ chạy lại lần 3 để có thể khẳng định thêm. Như vậy, tính đến hết ngày 17-3, số trẻ bị mắc sán lợn tại Bắc Ninh tiếp tục nâng lên đến 209” – BS Ninh cho biết.
Được biết, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh sẽ chi trả phí xét nghiệm và cấp thuốc điều trị theo phác đồ cho các bé nhiễm sán.
Trong một diễn biến khác, công an tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc làm rõ.
Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo có ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.
Bệnh được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.
Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.