Đó là nội dung được đề cập đến trong nghiên cứu “Ứng dụng lâm sàng của xét nghiệm vitamin D” tại hội nghị “Tiếp cận kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán và điều trị” do BV Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tổ chức ngày 8-6.
Theo nghiên cứu, thiếu hụt vitamin D có thể gây mềm xương, gãy xương ở trẻ em hoặc nhuyễn xương ở người lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người thiếu vitamin D có nguy cơ bị ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, bệnh tim mạch,… cao hơn những người bình thường. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ thiếu vitamin D ở nữ giới khoảng 46% và ở nam là 20%.
Người bệnh đang lấy máu xét nghiệm vitamin D ở BV Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: NP
Tuy nhiên, từ nhận thức về tầm quan trọng của vitamin D chưa cao, cũng như số liệu về tình trạng thiếu hụt vitamin D tại Việt Nam chưa được công bố rộng rãi nên vấn đề bổ sung vitamin D trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Xét nghiệm vitamin D được thực hiện tại đa số các bệnh viện với phương thức chạy trên máy tự động đơn giản, thời gian trả kết quả nhanh chóng, chính xác. Tuy nhiên, do nhận thức của người bệnh cũng như tính chủ động trong cảnh báo những hệ lụy thiếu vitamin D chưa cao nên việc xét nghiệm vitamin D chưa được phổ biến tại các bệnh viện.
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Băng Sương – Trưởng khoa Xét nghiệm BV ĐHYD cho biết: “Việc thực hiện xét nghiệm để phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hụt Vitamin D có nhiều ý nghĩa to lớn trong điều trị, đặc biệt là đối với người bệnh thận mạn, suy chức năng gan, hội chứng chuyển hóa, lao, lymphoma; người đang dùng thuốc chống động kinh, glucocorticoid, thuốc kháng nấm, thuốc điều trị AIDS, cholestyramine; phụ nữ mang thai và cho con bú, người lớn tuổi có tiền sử ngã nhiều lần, gãy xương mà không do chấn thương, người béo phì...”.