Sáng 23-12, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ đưa – nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Công ty CP tiến bộ Quốc tế - AIC và BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Vụ án này, tám bị cáo đang bị phát lệnh truy nã, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC), Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc Công ty AIC), Nguyễn Đăng Thuyết (Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội)…
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ AIC. Ảnh: CTV |
Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết có hành vi làm "quân xanh, quân đỏ" giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 55 tỉ đồng rồi hưởng lợi bất chính hơn 1,9 tỉ đồng. Ông Thuyết bị cơ quan tố tụng phát lệnh truy nã từ tháng 11-2022, đến nay chưa có kết quả.
Tại phiên tòa hôm nay, luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết công bố bức thư mà bị cáo này gửi từ Mỹ về Việt Nam. Thư được gửi trước khi phiên tòa mở, HĐXX đã nhận được.
Theo nội dung thư, bị cáo Thuyết có ba nội dung muốn trình bày. Thứ nhất, ông nhận thông tin phiên tòa quá gấp, không thể về Việt Nam dù "rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày". Thứ hai, ông đồng ý để luật sư bào chữa cho mình. Thứ ba, ông trình bày về kết luận "quân xanh, quân đỏ", cho hay khoảng 10 năm trước, có người nhờ ông ký hồ sơ dự thầu nhưng quá lâu nên "ai nhờ tôi không nhớ".
Ngoài ra, bị cáo Thuyết khẳng định tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng vụ án vì đây là "kết quả làm việc của cơ quan có thẩm quyền".
Dù vậy, bị cáo bác bỏ cáo buộc của VKS về việc mình "bỏ trốn, cần xử lý nghiêm". Theo bức thư, bị cáo Thuyết khẳng định không biết có vụ án này bởi bị cáo xuất cảnh ra nước ngoài vào tháng 4-2021. Cục Cảnh sát xuất nhập cảnh Bộ Công an đã đồng ý cho ông xuất cảnh và khi đó, vụ án AIC chưa hình thành, chưa được khởi tố.
Ông Thuyết khẳng định ở Mỹ từ đó đến nay vì có hai con nhỏ đang học. Theo pháp luật Mỹ, cả hai phải có người giám hộ.
Bị cáo cũng trình bày, tiến độ xử lý vụ án quá nhanh, hồ sơ chuyển từ VKS sang tòa chỉ 10 ngày đã có quyết định đưa ra xét xử, do vậy bị cáo “bất khả kháng để thu xếp cho gia đình và công việc để về tham gia phiên tòa".
Cuối cùng, bị cáo này mong HĐXX, các cơ quan tư pháp, luật sư sẽ giải quyết thấu đáo cho bị cáo, cho hưởng khoan hồng. Bị cáo cũng cho hay đã gửi tiền về gia đình, qua đó đưa cho Công ty Thành An Hà Nội để khắc phục toàn bộ tiền thu lời bất chính.
Một bị cáo khác bị truy nã là Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên. Ông Vinh bị xét xử vắng mặt với cáo buộc làm "quân xanh" giúp AIC trúng 10 gói thầu tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Hành vi của ông Vinh bị cho gây thiệt hại gần 80 tỉ đồng và từ đó người này hưởng lợi 120 triệu đồng.
Tại tòa hôm nay, luật sư của bị cáo Vinh trình bày đã nhận lời nhắn từ thân chủ của mình, hiện đang ở Mỹ. Theo luật sư, ông Vinh đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ đồng thời phải chăm sóc con nhỏ đang bị tự kỷ nên không thể về nhưng sẽ "hợp tác với tòa".
Theo cáo trạng, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lợi dụng sự quen biết với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để được ưu ái tham gia dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh. Bị cáo còn chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt chiêu trò phạm pháp, qua đó liên tiếp trúng 16 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Đặc biệt, bà Nhàn cùng cấp dưới tại AIC còn nhiều lần chi hối lộ cho ông Trần Đình Thành (cựu bí thư tỉnh ủy) với số tiền 14,5 tỉ đồng, ông Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh) 14,5 tỉ đồng và ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Sở Y tế) 14,8 tỉ đồng.
Trước khi phiên tòa diễn ra, bà Nhàn cùng bảy người khác bị phát lệnh truy nã. Dù cả cơ quan điều tra, VKS và tòa đều đã kêu gọi ra đầu thú nhưng đến nay chưa có kết quả.