Cha ông hy sinh tháng 4-1972 tại lộ Cái Sắn (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang).
Qua thông tin từ đồng đội cũ, gia đình được biết hiện nay tại mộ số 6, hàng 1, lô 3, khu B Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Hiệp có ghi tên “Trần Văn Hòa” nhưng không có quê quán, đơn vị. Nghi là mộ cha, ông Thuận làm đơn gửi đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang xin giám định ADN hài cốt tại ngôi mộ này nhưng lại được hướng dẫn phải tự gửi đơn lên Cục Người có công.
Trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Quốc Trung, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang), cho biết trong trường hợp nêu trên, Sở không có trách nhiệm là cầu nối giữa thân nhân liệt sĩ với Cục. Gia đình phải tự làm đơn gửi lên Cục. Nếu được Cục đồng ý thì Sở mới tiến hành các thủ tục lấy mẫu sinh phẩm để giám định theo quy định.
Về việc này, ông Đặng Ngọc Tảo, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An), thông tin trước đây Công văn 600 ngày 21-6-2012 của Cục Người có công (về việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin) đã giao quyền cho Sở LĐ-TB&XH tại địa phương có mộ thẩm định, sau đó gửi mẫu sinh phẩm cho Cục. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, một số sở thẩm định hồ sơ quá lỏng lẻo nên Cục có thêm Công văn 191 ngày 21-2-2013 với nội dung: Chỉ thực hiện lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang để giám định khi có ý kiến của Cục.
“Về cơ bản, quy trình thực hiện tại hai công văn đều như nhau, chỉ khác là tại Công văn 191 thì Cục sẽ thẩm định trước thay vì sở. Còn để thực hiện các quy trình liên quan thì ngành chức năng phải làm chứ để người dân “tự bơi” là không ổn. Qua thông tin báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp, chúng tôi sẽ liên hệ với gia đình ông Thuận để hướng dẫn gia đình ông bổ sung các thủ tục cần thiết. Sau đó đích thân Sở LĐ-TH&XH tỉnh Long An sẽ hoàn tất hồ sơ này gửi Cục xem xét. Người dân cứ yên tâm” - ông Tảo khẳng định.
HOÀNG NAM