Tuy nhiên, người xem có cảm giác rất hụt hẫng khi buổi xin lỗi chỉ diễn ra chóng vánh trong khoảng năm phút. Đến nỗi luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Văn phòng Luật sư Người Nghèo, người trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Nhàn) đã phải chảy nước mắt.
Làm oan một con người trong chừng ấy năm khiến người ta bị ảnh hưởng đến nỗi tan cửa, nát nhà mà xin lỗi như vậy sao?!
Có lẽ mọi chuyện xuất phát từ quy định hiện hành của pháp luật. Luật chỉ quy định chung: Cơ quan làm sai phải nói lời xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc. Do quy định như vậy nên không ít nơi đã tổ chức buổi xin lỗi gần như rất chiếu lệ. Đã từng có nhiều vụ khi người được xin lỗi chưa kịp mở miệng nói câu nào thì người xin lỗi đã bỏ về, bất kể người ta có thông cảm, tha thứ hay không.
Qua sự việc này, nên chăng Nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng Trung ương, cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục và hình thức xin lỗi công khai người bị oan. Chẳng hạn, nếu xin lỗi ở trụ sở UBND hay ở một hội trường nào đó thì trang trí thế nào, vị trí ngồi ra sao, người bị oan (được xin lỗi phải được bố trí ngồi ở vị trí trung tâm, thể hiện sự trọng thị thế nào? Thứ tự phát biểu của đại diện cơ quan tố tụng làm oan; phát biểu của người bị oan; đại diện gia đình người bị oan; đại diện chính quyền địa phương… cũng phải được quy định rõ ràng. Làm sao cho buổi lễ xin lỗi phải tương đối “hoành tráng” để người bị oan cũng mát lòng, mát dạ mà bỏ qua lỗi lầm của người và cơ quan làm oan. Nếu có điều kiện, có lẽ nên mời cả những người trực tiếp làm oan và nhiều cán bộ tố tụng khác tham dự, để họ thấm thía cái nỗi làm oan mà ý thức hơn trách nhiệm của mình.
Xin lỗi một ai đó trong cuộc sống đời thường đã đòi hỏi người xin lỗi phải chân thành hết mực, huống hồ chi cái lỗi to đùng là làm oan một công dân vô tội. Bởi cách thức xin lỗi còn thể hiện nét văn minh pháp lý trong xã hội pháp quyền.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao