Khoảng 5 giờ sáng 29-6, cơn mưa tầm tã suốt đêm vẫn chưa dứt, thế nhưng các bạn trẻ trong đội xe tình nguyện đã có mặt tại địa chỉ 33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (nơi đặt văn phòng của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM).
Những cuốc xe nghĩa tình
Trong làn mưa, có hai thí sinh Nguyễn Thị Hạnh và Phan Thị Huệ tay xách vali tìm đến đội nhờ tư vấn. Hai bạn cho biết đến từ Krông Năng (Đắk Lắk), đăng ký vào Trường ĐH Luật TP.HCM nhưng không biết đường đi. Các tình nguyện viên trả lời thắc mắc và dắt hai xe máy chuẩn bị đưa hai thí sinh đến trường thi. Một người trong số đó là Lê Văn Nhứt, hiện là đội trưởng đội xe tình nguyện 2014.
Nhứt kể bạn đến với chương trình Tiếp sức mùa thi một cách tình cờ. Đó là năm 2006, Nhứt đến Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên để xin việc, thấy các bạn chạy xe ôm đưa đón thí sinh cũng hay hay nên xin gia nhập. Những cuốc xe chở thí sinh đi thi, chở phụ huynh tìm nhà trọ nghĩ cũng bình thường, sẽ nhanh chóng quên đi nhưng không phải vậy. Những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười hạnh phúc của các vị khách sau những cuốc xe cứ bám theo bạn, mang đến trong lòng niềm vui khó diễn tả.
Hai anh chị “xe ôm” của đội xe tình nguyện chở phụ huynh và thí sinh chuẩn bị lăn bánh. Ảnh: H.LAN
“Bác xe ôm” thâm niên
Rồi những câu chuyện trên đường của các phụ huynh kể về việc gia đình họ chuẩn bị cho con em đi thi, có người bán đi đàn heo, có người cầm miếng vườn hương hỏa cho con em có lộ phí; rồi nỗi lo khi con em của họ về thành phố rộng mênh mông không người quen… Nghe những chuyện ấy, Lê Văn Nhứt càng thấy quý mến các vị khách và dần hiểu thêm công việc của mình, tuy đơn giản nhưng cũng chia sẻ niềm vui, nỗi lo cùng họ.
Năm 2007, Lê Văn Nhứt ra trường, vào làm việc cho một cửa hàng sửa chữa xe máy. Rồi mùa hè năm đó đến, sau nhiều lần suy nghĩ Nhứt quyết định xin chủ cửa hàng cho nghỉ không lương một tháng để “chạy xe ôm”. Thời gian sau, khi tay nghề vững Nhứt mở một cửa hàng sửa xe nho nhỏ tại nhà ở quận 8. Và từ đó, đến mùa thi là bạn lại đóng cửa hàng để “chạy xe ôm”. Năm 2013, Nhứt tiếp tục học liên thông ĐH GTVT. Và hiện Nhứt đang bận rộn làm báo cáo thực tập nhưng vẫn dành thời gian để tiếp tục “chạy xe ôm”. Tính ra đến nay Nhứt đã có chín năm gắn bó với chương trình Tiếp sức mùa thi và có lẽ là người có “thâm niên” nhất.
“Mỗi lần đi tiếp sức lại thấy mình như khỏe hơn vì nghĩ đơn giản là mình đã chia sẻ được phần nào nỗi lo lắng của phụ huynh và thí sinh” - Nhứt tâm sự.
Những kỷ niệm không quên
Tại đội xe, chúng tôi còn gặp bạn Nguyễn Đăng Vinh, cựu sinh viên khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, ra trường năm 2009, nay là kế toán viên tại một công ty ở quận Tân Bình. Vinh kể lại một kỷ niệm mà bạn không bao giờ quên trong nghề “xe ôm”. Đó là năm 2009, sau khi thả một phụ huynh về nhà trọ, Vinh vội vã quay về cho kịp xoay ca (giao xe cho bạn khác chạy). “Dù chưa kịp ăn cơm trưa nhưng nhìn phụ huynh, thí sinh ngồi chờ đến lượt tràn cả ra đường nên mình ráng chạy cho lẹ. Khi trở về, tự nhiên chóng mặt, hoa mắt rồi ủi vào một xe con. Mình thì không sao nhưng xe con thì bị móp đuôi. Người ta bắt đền 1,5 triệu đồng. Đang lúc bối rối thì các bạn cùng đội hay tin, hùn tiền giúp đỡ” - Vinh nhớ lại.
Không ít lần những thành viên đội xe tình nguyện nhường phần cơm của mình cho phụ huynh, thí sinh; dè sẻn chi tiêu để quyên góp cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trên đường. “Mình nhớ mãi chuyện có bà ngoại dắt cô cháu đi thi. Để có tiền chi tiêu, bà ngoại tranh thủ mang theo muỗng gỗ, vá gỗ để bán dọc đường. Thấy thương quá nên mấy anh em góp tiền để ngoại lo cho cháu và mua hàng ủng hộ. Khi thi xong, cô cháu thí sinh bộc bạch: “Được sự giúp đỡ của mấy anh, em vô cùng cảm kích. Sang năm, nếu đậu đại học, em hứa sẽ làm sinh viên tình nguyện giống như mấy anh”…” - Vinh, cựu đội trưởng đội xe 2010, nhớ lại.
Ba năm gắn bó với đội xe tình nguyện, bạn Nguyễn Phước Trung, sinh viên năm ba Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, có khá nhiều kỷ niệm. “Có lần mình chở hai mẹ con bác nọ ở Bình Thuận vào thành phố thi. Bác cho biết nhà chỉ có hai mẹ con, mùa này đành bỏ vườn nho để đưa con đi thi. Nghe những tâm sự như vậy của những người cha, người mẹ một đời hy sinh vì tương lai con em nên giúp đỡ họ mình thấy rất ý nghĩa” - Trung chia sẻ.
Những chuyến xe tình nguyện cứ thế nối tiếp nhau chở theo bao dự định ấp ủ, những ước mơ của phụ huynh và thí sinh.
HOÀNG LAN
Lê Văn Nhứt cho biết đội xe tình nguyện hiện có 263 bạn, kể cả hậu cần. Đội hậu cần có nhiệm vụ phụ nấu suất ăn trưa với sự giúp đỡ của Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa (quận 6), còn buổi tối tự túc. Mỗi ngày, đội xe có từ 50 đến 100 bạn thường trực từ 5 giờ đến 18 giờ 30 tại trung tâm để sẵn sàng chở thí sinh và phụ huynh đến điểm trọ, trường thi theo yêu cầu. Nếu hôm nào có sinh viên nghèo do các tỉnh đoàn đưa về thành phố trễ thì đội xe sẽ bố trí thành viên túc trực. Nhứt nói: “Phụ huynh, thí sinh có nhu cầu hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 08.38274705”. __________________________________________ Ra đời năm 1997 từ ý tưởng của các bạn trẻ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM với tên gọi chương trình Hỗ trợ thí sinh dự thi. Từ năm 2001 đến nay, hoạt động này được nhân rộng ra toàn quốc với tên gọi chính thức là chương trình Tiếp sức mùa thi. Chương trình nhanh chóng được xã hội đồng thuận, ủng hộ. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tôn giáo… đã đồng hành cùng chương trình với hàng vạn chỗ trọ miễn phí, hàng vạn suất cơm, tổ chức những chuyến xe đến các tỉnh đón thí sinh về thành phố… |