Hôm 11-5, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã viết thư kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay “giải cứu” giúp nông dân tiêu thụ dưa hấu.
Tâm thư viết, giá dưa hấu tại tỉnh Quảng Nam giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 1.000 đồng/kg khi đang vào vụ thu hoạch khiến nông dân thua lỗ nặng. 1.300 tấn dưa hấu đang chỏng chơ trên đồng ruộng Quảng Nam chờ tấm lòng thương cảm của cộng đồng…
Tôi không nghi ngờ về cái tâm của người viết thư kêu gọi giúp đỡ những nông dân chân lấm tay bùn, vất vả một nắng hai sương trên cánh đồng của mình.
Nhưng liệu đó đã phải là giải pháp tốt nhất ? Đến hẹn lại lên, năm nào chúng ta cũng kêu gọi giải cứu nông sản. Kêu gọi trên báo chí, kêu cả trên cộng đồng mạng. Vậy chúng ta sẽ giải cứu nông sản và dưa hấu đến bao giờ? Trên đất nước này còn cần bao nhiêu cuộc giải cứu nông sản như vậy?
Chẳng lẽ đến mùa dưa hấu-giải cứu, mùa vải-giải cứu, mùa dứa… lại giải cứu. Mùa nào cũng kêu gọi giải cứu và thực tế chúng ta đã cứu được cái gì, giải cứu được bao nhiêu? Những cuộc giải cứu chỉ giải quyết được vấn đề tức thời và thiếu bền vững. Nó cũng biến người nông dân thành đối tượng đáng thương hại, điều mà bà con không muốn!
Nhưng trên hết, nó đặt ra vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành nông nghiệp. Trách nhiệm của những người quản lý ngành nông nghiệp ở đâu, khi để năm nào cũng phải đi xin xã hội rủ lòng thương giải cứu nông sản ?
Dưa hấu đến thời điểm này lại rớt giá thê thảm như mọi năm. Trước đó ngành nông nghiệp đã định hướng cho người dân, hỗ trợ họ về canh tác, kết nối nông dân với doanh nghiệp…? Nếu không làm được điều này thì câu chuyện được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra... không thể thoát ra được.
Như có chuyên gia từng phát biểu, việc liên tục phải giải cứu nông sản cho thấy Việt Nam giỏi sản xuất nhưng lại quá kém khâu thị trường, kết nối cung cầu. Hệ quả là nông sản có khi phải đổ bỏ nhưng giá tại các chợ, siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.
Mặt khác, để tránh việc phải triền miên giải cứu nông sản do dư thừa thì phải giải được bài toán từ gốc là liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún. Qua đó mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác với công ty xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.
Người dân chở củ cải đi đổ bỏ. Ảnh: HĐ
Để làm được điều này, ngoài sự tự thân vận động của nông dân và nhà kinh doanh rất cần bàn tay của Nhà nước, nhất là về dự báo thị trường, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho những nhà phân phối và bán lẻ tốt nhất ra đời, làm cầu nối tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Điệp khúc buồn giải cứu nông sản sẽ còn tái diễn nếu nông dân mặc sức trồng, mặc sức nuôi theo phong trào nhưng không quan tâm sau này bán cho ai. Nông dân vẫn nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường. Còn các cơ quan quản lý thì lúng túng.