Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về thành tựu giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 ghi nhận tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 22% xuống 9,6% (năm 2013 giảm còn 7,8%), vượt chỉ tiêu QH đề ra.
Ỷ lại, chờ chính sách “cho không”
Đại biểu (ĐB) Lê Thị Yến (Phú Thọ) lo lắng: “Chính sách giảm nghèo đã bộc lộ một số tác động trái chiều, trong đó có tình trạng chây ì, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, làm suy giảm quyết tâm thoát nghèo của một bộ phận người nghèo. Tình trạng hộ nghèo ở độ tuổi thanh niên có xu hướng gia tăng, tư tưởng thực dụng, trọng lợi hơn trọng danh đang diễn biến đáng lo ngại. Do đó cần phải phân loại hộ nghèo, đánh giá nguyên nhân gây nghèo để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm đạt hiệu quả giảm nghèo bền vững và đảm bảo tính công bằng”.
Bà Yến đề nghị Chính phủ, QH xem xét lại một số chính sách “hỗ trợ cho không” chưa phù hợp, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo (phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm). Bên cạnh đó, đánh giá lại những chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo do quỹ đất không còn đủ khả năng đáp ứng “cấp không”, thay vào đó nên phát triển hệ thống nhà ở xã hội.
ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) lo lắng: “Chính sách giảm nghèo đã bộc lộ một số tác động trái chiều, trong đó có tình trạng chây ì, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”. Ảnh: TTXVN
ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) phản ánh thêm: “Công tác điều tra, bình xét công nhận hộ nghèo tại một số địa phương chưa chính xác, gây mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, trở thành áp lực đối với cán bộ ở cơ sở”.
Chỉ nên hỗ trợ các hoàn cảnh bất khả kháng
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thay mặt cử tri kiến nghị: “Không chấp nhận người nghèo có sức khỏe ngồi nhà uống rượu say xỉn, chơi bời cờ bạc, đánh đập vợ con, bắt con bỏ học bán vé số, rồi nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo. Chỉ nên hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng”.
Cũng theo bà Minh, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải có thời hạn nhất định và kèm theo những điều kiện cụ thể để hộ nghèo phải chấp hành và phải vươn lên để thoát nghèo. Muốn vậy, Nhà nước phải có quy định khuyến khích, khen thưởng đối với những hộ mới thoát nghèo và thoát nghèo trước thời hạn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đồng tình: “Chính sách giảm nghèo phải có lộ trình. Ban đầu cho anh 1-2 năm hưởng chế độ hộ nghèo, cộng lại các chế độ này rất nhiều, anh phải cam kết vươn lên như thế nào thì mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ. Trong bình xét hưởng chính sách dành cho hộ nghèo thì không được nghiện hút, nếu nghiện hút thì không cho. Bây giờ tỉ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi đã giảm nhưng mọi người đều muốn ở lại làm hộ nghèo, không ai muốn vươn lên vì chính sách quá nhiều, thoát nghèo thì không còn được gì. Rất vô lý! Cần có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước. Phải thấy xấu hổ khi có điều kiện nhưng không thoát nghèo”.
Phải có bộ tiêu chí riêng
Bộ trưởng Giàng Seo Phử (Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) đề xuất: Cần xây dựng chính sách giảm nghèo theo bộ tiêu chí riêng phù hợp cho từng vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, hải đảo) nhằm phát huy hiệu quả cao hơn. Chuyện bình xét hộ nghèo không khách quan làm người dân rất bức xúc. Nhưng do xã, huyện, tỉnh cứ công nhận hộ nghèo báo lên trên nên trung ương không bác được. Nhiều hộ cận nghèo không được hỗ trợ gì đã “chạy” để được xuống hộ nghèo. Vì vậy, đối với những tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo dưới 20% thì nên giao ngân sách tỉnh trực tiếp hỗ trợ để địa phương kiểm soát chặt chẽ. Cấp trung ương chỉ hỗ trợ với những tỉnh có tỉ lệ nghèo trên 20%.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng kết luận: “Một số chính sách xã hội chưa kịp thời đổi mới, không động viên được người dân vươn lên thoát nghèo, chính sách giảm nghèo còn buông lỏng kiểm soát… Đa số ĐB yêu cầu sớm có bộ tiêu chuẩn nghèo mới phù hợp với chuẩn quốc tế, có chính sách định canh định cư phù hợp, sửa đổi chính sách giảm nghèo phù hợp với các đối tượng thụ hưởng”.
BÌNH MINH
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT BÙI QUANG VINH: Chính sách đã khuyến khích sự lười biếng Tôi luôn nhận được phàn nàn từ người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc nói rằng Chính phủ không công bằng. Không công bằng ở cái gì? Khi hỗ trợ tết là cứ ai nghèo cho như nhau, rồi chính sách giảm nghèo cũng hưởng như nhau. Khi còn làm bí thư tỉnh ủy, một cụ già nói rằng: “Tao già như thế này mà ngày nào cũng lên nương để lao động sản xuất. Gia đình tao chỉ hơn gia đình nó một tí thôi thì bảo là không được nghèo và tao không được bất kỳ một chế độ gì. Còn thằng kia nó trẻ như thế, suốt ngày đánh bi da, nghiện hút thì cho hết cái này, cho cái kia, con học không mất tiền, rồi khám, chữa bệnh cũng không mất tiền. Thế là chúng mày khuyến khích cho bọn lười nó không đi lao động”. Nhân dân người ta nhìn rất cụ thể, mình thấy rất đúng. |