Xoài Đồng Tháp chinh phục thị trường quốc tế

(PLO)-  Gần 6.000 ha xoài đã được đăng ký mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022, ngày 7-7, UBND TP Cao Lãnh phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo phát triển chuỗi ngành hàng xoài.

Ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết, Đồng Tháp có 14.000 ha trồng xoài, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ hai khu vực ĐBSCL về sản lượng. Các giống xoài chủ lực gồm Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh…

Gần 6.000 ha xoài đã được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã số; chín cơ sở đóng gói trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP trên cây xoài, với diện tích 353 ha đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Hiện xoài Đồng Tháp đã có mặt ở thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU…

Gian hàng trưng bày xoài Cát Hòa Lộc tại Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022.

Gian hàng trưng bày xoài Cát Hòa Lộc tại Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022.

Tuy nhiên theo ông Điền, kết quả này vẫn còn thấp so với tiềm năng của xoài Đồng Tháp. Do đó trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thúc đẩy, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện làm tốt hơn nữa việc đăng ký mã vùng trồng, mã số đóng gói cũng như tăng diện tích sản xuất VietGAP.

Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xoài của Việt Nam chỉ mới chiếm hơn 2% thị phần xuất khẩu xoài trên thế giới, dư địa còn rất nhiều. Nhưng chuyên gia cũng lưu ý các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó hoạt động thu hái, đóng gói, bao bì, làm lạnh… không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xoài, nhất là mủ xoài làm ảnh hưởng đến chất lượng trái rất nhiều.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam quyết định thành lập Liên chi hội Xoài Việt Nam, trực thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Nhiệm vụ của Liên chi hội là liên kết hội viên, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh, cùng nhau phát triển; phối hợp với các địa phương hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh xoài, xây dựng chuỗi cung ứng xoài, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường…

Chinh phục thị trường xuất khẩu

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2019, lần đầu tiên trái xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã mở ra tiềm năng lớn cho ngành hàng xoài Đồng Tháp nói riêng và trái xoài Việt Nam nói chung. Ngoài Mỹ, trái xoài tươi Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Đặc biệt Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản lượng xoài khá lớn

Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đã được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài tươi, vùng trồng mang chỉ dẫn địa lý tập trung ở địa bàn huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Đây là cơ hội cũng là thách thức để xoài Đồng Tháp khẳng định danh tiếng của mình trên thị trường quốc tế.

Lô xoài Cát Chu đầu tiên của Đồng Tháp được xuất khẩu sang Hà Lan hồi đầu năm 2022.

Lô xoài Cát Chu đầu tiên của Đồng Tháp được xuất khẩu sang Hà Lan hồi đầu năm 2022.

Nhằm hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài của tỉnh một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu, UBND tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng Kế hoạch phát triển ngành hàng xoài tỉnh năm 2025.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng mới, cải tạo vườn xoài già cỗi kém hiệu quả là 4.450 ha với tỷ lệ 36% diện tích trồng xoài; các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số.

Ứng dụng đồng bộ giải pháp, cơ giới hóa, tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất tiên tiến và cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng xoài nhằm phát huy tối đa giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, lợi nhuận tăng thêm ít nhất 15%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm