Trưa nắng hầm hập, ông Nguyễn Thành Nhân (80 tuổi, khu phố 6, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn cặm cụi ngồi làm lồng đèn cùng con gái và con rể. Trên nền nhà ngổn ngang khung lồng đèn mới làm, trên trần nhà treo lủng lẳng các chùm đèn thành phẩm hình bướm, hình cá, Doraemon. Thỉnh thoảng lại có người ghé đến hỏi mua lồng đèn nhưng ông lắc đầu: “Giờ giao khách đặt trước còn không kịp, lấy đâu ra bán”.
Làm không kịp các đơn đặt hàng
Trưa 25-9, anh Duyệt (quận Gò Vấp, TP.HCM) ghé đến để nhận 1.000 lồng đèn đã đặt trước dành tặng các em thiếu nhi ở một xã vùng sâu. Anh nhẹ nhàng đề nghị gia đình làm tăng thêm một số chiếc và làm kiểu đèn lớn hơn. Con gái ông Nhân - bà Ngọc Lan (52 tuổi) quệt mồ hôi, từ chối: “Thôi để tôi trả lại tiền cọc chứ nhà tôi làm không kịp rồi đó. 1.000 cái chứ có phải năm, mười cái đâu”. Anh Duyệt phân bua: “Tôi không có ý khó dễ gì đâu. Hồi trước tôi đặt nhà bà Mai, đã làm quen với nhau. Năm nay bà ấy bỏ nghề nên tôi mới nhờ gia đình chị”.
Bà Ngọc Lan cho biết năm nay lượng khách đến đặt lồng đèn tăng đột biến so với mọi năm, nhưng vì không có sự chuẩn bị cho điều này nên gia đình không thể xoay xở kịp với những đơn hàng mới. Bà nói: “Vài năm trước đây, làm chục ngàn cái nhưng chỉ bán được bảy, tám ngàn. Lồng đèn chỉ làm chơi được một mùa, để lâu bị mối mọt nên tôi không dám làm nhiều. Ai ngờ năm nay làm không đủ bán. Nếu nhận hết chắc hơn hai chục ngàn chiếc, không làm nổi”.
Ông Thành Nhân bên những khung đèn vừa hoàn thành. Ảnh: HM
Lồng đèn treo khắp nơi trong nhà ông Nhân nhưng vẫn không đủ giao cho khách. Ảnh: HM
Người đến đặt mua lồng đèn là thương nhân từ khu phố lồng đèn nổi tiếng ở quận 5, từ các trường học và cả các tỉnh lân cận. Gia đình bà chỉ còn ba người làm lồng đèn, trong đó hai vợ chồng bà là nhân công chính, cha của bà đã lớn tuổi, sức yếu nên chỉ phụ được chút ít. Đã lâu lắm rồi, khu phố lồng đèn này mới rộn ràng đến tận khuya, không khí làm việc thâu đêm đó đã mất đi hơn chục năm về trước.
Bà Ngọc Lan cho biết khoảng 15 năm trở về trước, đó là thời kỳ hoàng kim của xóm lồng đèn này. Lúc đó, hầu như nhà nào ở đây đều làm lồng đèn. “Cứ ăn Tết xong là thong thả làm. Nhà tôi lúc đó chỉ sống bằng nghề lồng đèn. Ở đây nhà ai cũng vậy. Rồi lồng đèn pin của Trung Quốc tràn vô, đèn ế nên hàng loạt gia đình bỏ nghề đi làm công nhân” - bà Lan ngậm ngùi.
Gia đình bà chỉ làm lồng đèn loại nhỏ, rẻ. Những loại này được đặt mua với số lượng lớn hàng ngàn chiếc/ đơn hàng. Nhiều người đến tìm mua lồng đèn lớn, được chỉ đến nhà nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình.
Người nước ngoài tới học nghề
Anh Nguyễn Trọng Bình (41 tuổi) đang uốn thép và nan để hoàn tất những chi tiết nhỏ trong chiếc đèn kỳ lân, gà trống, ngôi sao khá lớn. Những mẫu lồng đèn của anh vượt trội vì sự sắc sảo, cầu kỳ, mềm mại. Anh cũng vừa giao cho khách ở Bình Dương hơn 400 chiếc lồng đèn kéo quân cỡ lớn. Anh nói: “Mấy nay thức dậy từ sáng, làm tới 2 giờ mà vẫn không kịp giao. Tôi định chốt sổ nghỉ làm rồi mà có trường học gọi đặt lồng đèn, tôi lại ráng làm. Thứ Sáu này nhà trường mời tôi đến để chỉ các bé làm lồng đèn. Thấy lồng đèn truyền thống được yêu thích trở lại, mệt cỡ nào tôi cũng ráng”.
Anh Trọng Bình có tám anh chị em, trước đây tất cả anh em đều biết nghề truyền thống của gia đình. Cha mẹ anh biết làm lồng đèn từ khi còn ở quê hương Nam Định, sau đó di cư vào Sài Gòn mang theo nghề cũ dạy cho con cái, hàng xóm. Anh cho biết chưa có mẫu lồng đèn nào làm khó được anh. Có những mẫu chỉ cần ngó sơ qua một lần, về nhà anh đã có thể làm đẹp hơn nguyên mẫu.
Nhiều năm qua, khi hàng loạt gia đình bỏ nghề làm lồng đèn thì anh vẫn cố bám nghề bằng cách sáng tạo ra những lồng đèn mới lạ, cầu kỳ mà các mẫu lồng đèn Trung Quốc không thể qua mặt được. Hướng đi này giúp anh trụ lại được vì nhiều siêu thị lớn đã tìm đến chỗ anh để mua về trang trí, các sự kiện lớn nhân dịp Trung thu cũng đặt hàng anh chế tác nhiều lồng đèn lớn.
Mẹ anh - bà Vũ Trọng Văn (76 tuổi, quê gốc Nam Định) ra phòng khách ngồi ngắm anh cần mẫn làm lồng đèn. Mỗi khi có khách đến xin mua hàng, anh đều cho biết đã “chốt sổ” nhưng mẹ anh lại xúi: “Coi có làm thêm được cho người ta không con?”. Anh gãi đầu gãi tai rồi lại chốt thêm một vài đơn hàng làm lồng đèn lớn chứ không làm lồng đèn bày bán đại trà. Khách hỏi giá, anh trả lời: “Giá y năm ngoái!”.
Mỗi chiếc lồng đèn anh làm ra, dù rất cầu kỳ nhưng giá chỉ 80.000-140.000 đồng tùy loại. Mức giá đó đã không tăng lên kể từ năm năm qua, bất kể giá nguyên liệu tăng chóng mặt. Anh nói: “Tôi muốn mọi người quay lại với lồng đèn truyền thống nên tôi không tăng giá dù lồng đèn truyền thống đang hút hàng. Có nhiều khách nước ngoài đến đây nhờ tôi hướng dẫn con em họ học làm lồng đèn và nói đây là văn hóa Việt Nam đó. Tôi vui quá trời nên dạy miễn phí luôn, vừa bán vừa tặng luôn”.
Trước đây gia đình nào cũng làm lồng đèn, giờ khu phố này còn hơn chục hộ thôi, quy mô cũng nhỏ hơn nhiều bởi vì làm lồng đèn không còn thu nhập tốt như trước nữa.
Ngay cả khi 3-4 năm trở lại đây, người dân dần quay lại với lồng đèn truyền thống thì vẫn không ngăn được người ta bỏ nghề. Bởi giá nguyên vật liệu tăng lên, rồi công thuê nhân công dán giấy giờ rất cao, gia đình nào ít người làm tiền thuê nhân công chịu không nổi. Trong khi đó, nếu mình tăng giá theo thị trường sẽ khó cạnh tranh với lồng đèn Trung Quốc. Những người theo nghề tới giờ này đều rất yêu nghề mới trụ lại. Anh NGUYỄN TRỌNG BÌNH, nghệ nhân đèn lồng |