Xóm Việt kiều lây lất vùng biên - Bài 2: Khát vọng đổi đời

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An, ở 14 xã dọc biên giới tỉnh hiện có gần 300 hộ Việt kiều từ Campuchia trở về với hơn 1.000 nhân khẩu. Đó là chưa kể số hộ Việt kiều (cũng trở về từ Campuchia) cư ngụ rải rác ở các xã không phải vùng biên trong tỉnh.

“Ở quê nhà dù sao vẫn dễ thở hơn”

Với đa số bà con Việt kiều, tuy cảnh sống hiện tại còn tạm bợ, thiếu thốn nhưng họ không còn phải lo sợ, núp né như hồi còn cư ngụ bên nước bạn. Được làm ăn, sinh sống yên ổn ngay trên quê hương bản quán là ước vọng chính đáng của những người con đất Việt sau những năm tháng dài tha hương nhưng chẳng khấm khá, đổi đời.

Chị Nguyễn Thị Sóc, người tạm cư được một năm tại ấp Bình Châu (Tuyên Bình, Vĩnh Hưng), nói: “Ở vùng Biển Hồ Campuchia, chính quyền luôn làm căng đối với dân nhập cư trái phép như chúng tôi. Hiện tại cuộc sống bên đó khó khăn lắm, bà con ai cũng muốn trở về Việt Nam”.

Chị Sóc kể gia đình chị sang Campuchia tìm kế sinh nhai từ lúc chị mới hơn 10 tuổi. Cả gia đình gồm chín anh chị em, không ai được nhập quốc tịch bên đó, cả nhà cư trú “lậu” cho đến nay. “Từ ngày hồi hương về đây tui kiếm sống bằng nghề cắt lục bình trên sông phơi khô rồi bỏ mối cho người ta đan giỏ. Cả bốn đứa con tui không biết chữ tiếng Việt, chẳng được học hành gì”.

Trẻ em ở xóm Việt kiều vùng biên. Ảnh: T.PHÚC

Để ổn định cuộc sống, chồng chị Sóc đi vác lúa thuê, vác dưa hấu ngoài đồng…, mỗi ngày kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Chị cùng hai cô con gái bơi xuồng đi cắt lục bình về phơi khô, mỗi 20 ngày thì bán được 600.000-700.000 đồng. Riêng cậu con trai út đi bán vé số, mỗi ngày cũng kiếm thêm chừng 50.000 đồng. “Cuộc sống ở đây tuy còn khó nhọc nhưng dù sao vẫn dễ thở hơn, so ra vẫn tạm ổn hơn lúc còn trôi dạt trên ghe ở xứ chùa tháp” - chị Sóc bộc bạch.

Cuộc sống dần ổn định

Ông Vũ Kim Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hà, cho biết địa phương đã dành hơn 70 nền để bố trí cho bà con Việt kiều hồi hương mượn tạm nhằm giải quyết bớt khó khăn cho bà con. So với khi còn tạm cư dọc theo bờ kênh, hay sống trên ghe, hiện tại cuộc sống của các hộ dân đã tạm ổn định. Có nơi cất nhà tạm, bà con quyết định bán luôn chiếc ghe, lên ở hẳn trên bờ nên việc quản lý về an ninh trật tự cũng đỡ vất vả.

Theo ông Võ Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng), đa số bà con Việt kiều sống rải rác ở các cụm dân cư Cả Trốt, các tuyến dân cư kênh T7, ấp Gò Châu Mai, ấp Tà Nu, ấp Bào Sen… định cư lâu dài (13-15 năm), sống bằng nghề buôn bán, chăn nuôi. Nhiều hộ mua được đất làm ruộng, đất cất nhà. Số hộ đến Khánh Hưng tạm cư khoảng 6-7 năm nay cũng được địa phương giải quyết bán nền trả chậm trong vòng ba năm. Có 7-8 hộ nằm trong diện hộ nghèo, được xã trợ cấp khó khăn và tạo điều kiện để trẻ em được đến trường.

Phần đông bà con Việt kiều về tạm cư 5-7 năm, số khác mới hồi hương vài năm trở lại đây. Riêng những hộ dân có thời gian định cư 15-17 năm thì đã được chính quyền địa phương lo các thủ tục nhập quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu.

Những phụ nữ ở xóm Việt kiều mưu sinh bằng nghề cắt lục bình phơi khô bán cho thương lái.Ảnh: T.PHÚC

Bà Dương Thị Hía (58 tuổi), quê gốc ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An), rất phấn khởi khi được địa phương cho nhập lại hộ khẩu sau nhiều năm rời bỏ quê hương sang Campuchia tạm cư. Năm 2000, gia đình bà quyết định về Việt Nam ở hẳn. Nhờ có nguồn gốc gia đình, người thân cư ngụ tại đây nên bà nhanh chóng được công an xét cho nhập hộ khẩu, làm khai sinh cho con và cất nhà định cư, con gái học nghề xong và xin được việc làm trong tỉnh. Hiện bà Hía vẫn thường xuyên qua lại Campuchia mua bán nước mắm, cá đồng… Tuy vẫn còn nằm trong diện hộ nghèo của xã nhưng đối với bà, kể từ ngày chấm dứt cảnh vô gia cư, cuộc sống gia đình bà đang dần ổn định.

Còn đó những khó khăn trước mắt

Anh Nguyễn Văn Hiên, một hộ dân ở “xóm Việt kiều” tạm cư tại xã Hưng Hà (Tân Hưng), kể: “Cách đây khoảng bảy năm, gia đình tôi gồm 10 anh em rủ nhau về Việt Nam neo ghe và dựng chòi bên bờ kênh của xã Hưng Hà. Khi Nhà nước khởi công nạo vét kênh, mọi người được xã bố trí cho cất nhà ở tạm trên tuyến dân cư dọc theo kênh T5, T7. Chính quyền quy định thời gian cho mượn nền chỉ ba năm. Nay đã gần năm năm rồi, không ai trong số chúng tôi có tiền mua nổi cái nền khoảng 70 m2 (trị giá trên 20 triệu đồng)!”.

“Vì sống tạm nên chúng tôi muốn xài điện phải kéo nhờ đường dây của các hộ có điện kế, trả tiền với giá 4.500-5.000 đồng/kW. Do không có nhà vệ sinh nên mạnh ai nấy xả xuống kênh sau hè khiến xung quanh ô nhiễm nặng. Biết sao được, cái nhà còn chưa ra nhà nói chi đến chuyện xây hầm vệ sinh cá nhân…” - một người hàng xóm của anh Hiên góp chuyện.

Với nhiều hộ Việt kiều Campuchia mới hồi hương gần đây, vấn đề nhập quốc tịch, hộ khẩu, hộ tịch vẫn còn nhiều điều trở ngại. Và do chưa có giấy tờ tùy thân nên chuyện học hành của con cái họ cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc... Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho biết tỉnh đang nỗ lực rất nhiều trong việc phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết cho bà con.

Hiện số trẻ em sinh ra ở Campuchia không có giấy khai sinh, đang được tỉnh quản lý theo diện người nước ngoài, không được học chữ Việt. Sở Tư pháp đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục nên có kế hoạch tổ chức lớp học phù hợp cho các em; Sở Xây dựng cần phối hợp với địa phương tạo điều kiện về chỗ tạm cư cho bà con…

Theo ông Mẫn, Long An còn hơn 305 trường hợp có thời gian cư trú ổn định từ 15 đến dưới 20 năm, không quốc tịch, không có giấy tờ tùy thân, do hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng phí nên chưa xin nhập quốc tịch. “Tuy không thuộc diện miễn thu phí nhưng do họ thật sự khó khăn nên tỉnh cần kiến nghị trung ương cho phép họ được miễn phí khi nhập tịch” - ông Mẫn nói.

Hy vọng với sự chăm lo của địa phương, cuộc sống của bà con Việt kiều Campuchia hồi hương sẽ dần ổn định và khấm khá, trẻ em sẽ được tung tăng cắp sách đến trường.

Cuối năm 2005, Long An đã rà soát lập danh sách hơn 2.400 trường hợp Việt kiều hồi hương và những phụ nữ Campuchia lấy chồng Việt Nam, qua đó đã giải quyết xong hộ tịch, hộ khẩu cho nhóm này. Sau đó lại phát sinh thêm 615 trường hợp, tỉnh có văn bản gửi Bộ Tư Pháp, tuy nhiên cho đến nay Bộ chưa có ý kiến chỉ đạo nào.

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định về việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho số người không quốc tịch, không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân nhưng cư trú ổn định trên địa bàn tỉnh từ 20 năm trở lên. Sở Tư pháp lập được 144 hồ sơ đủ điều kiện, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét. Kết quả có 35 trường hợp được công nhận quốc tịch Việt Nam; 109 trường hợp còn lại Văn phòng Chủ tịch nước đang xem xét.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới