Xôn xao clip phó chủ tịch thị trấn chặn máy gặt ngoại tỉnh

Đoạn video quay cảnh một cán bộ và nhóm công an viên cùng một số người đứng chặn trên đoạn đường nông thôn không cho một số người lái máy gặt đi qua.

Ông Phan Doãn Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành, cùng một số công an viên đang đứng chặn máy gặt lúa trên đường. (Ảnh cắt từ video clip)

Người cán bộ mặc áo trắng đội mũ cối chỉ tay trả lời lớn: "Giúp dân nhưng ở đây người ta đã có việc làm rồi. Không mượn anh giúp nữa... Không cho mi đi qua đây nữa, mi cố tình là tau bắt". Một người nói giọng địa phương: "Lại đó mà bắt, anh mô giỏi cứ bắt".

Người điều khiển máy gặt nói tiếp: "Con giờ là con đi qua luôn đó, chú dám làm gì con không? Chú làm răng mà làm rứa?".

Một công an viên đứng nói: "Giờ thế này, không phải nói nhiều đâu, đồng này là hợp đồng máy rồi. Anh không xuống đồng được. Nếu như anh mà đi qua, đi sang đồng khác là được, chúng tôi cho đi ngay...".

Video clip quay ở thị trấn Yên Thành. (Nguồn: Facebook)

Chiều tối 11-9, ông Phan Doãn Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành, công nhận đoạn video trên quay ở địa bàn thị trấn Yên Thành.

Trong video, người cán bộ là ông Phan Doãn Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành và một số công an viên. Các máy gặt lúa này chủ yếu đưa từ các tỉnh phía Bắc vào Yên Thành.

Ông Hữu phân trần: "Không có chuyện cán bộ chặn bắt máy gặt đâu. Trước đây, vụ đông xuân họ đưa máy về địa phương gặt lúa cho bà con nông dân "ép" lấy giá quá cao 180.000-200.000 đồng/sào. Đầu mùa thu hoạch lúa hè thu năm nay, chúng tôi đã mời chủ các máy gặt đến làm hợp đồng văn bản cam kết. Trong văn bản hợp đồng thì nói rõ giá cả nên lấy của dân 150.000 đồng/sào thôi. Nhưng một số chủ máy không nhất trí, họ đòi giá 160.000 đồng/sào. Chỉ có hai trường hợp nhất trí 150.000 đồng/sào thì chúng tôi làm văn bản hợp đồng và tiến hành gặt lúa. Trong hợp đồng, chủ máy gặt phải đóng tiền "cọc" 2,5-3 triệu đồng/máy. Với yêu cầu cam kết, chủ máy có trách nhiệm gặt cho bà con hết toàn bộ không trừ ruộng to nhỏ. Thứ hai lúa chín gặt trước, lúa xanh chờ chín gặt sau. Thứ ba vào trong đồng phải đảm bảo cống, đường, không được hư hỏng. Khi gặt xong cả cánh đồng thực hiện đúng các cam kết trên mới trả lại tiền đặt cọc chứ chúng tôi không lấy làm gì. Cách làm trên người dân đồng tình rất cao. Còn máy gặt mà quay trong video clip là không ký hợp đồng với chúng tôi".

Máy gặt lúa thuê đang hoạt động ở huyện Yên Thành (Nghệ An).

Trả lời câu hỏi "sao không để các chủ máy cạnh tranh giá gặt với nhau theo thị trường?", ông Hữu cho rằng: "Nói thật trước đây họ vào ép giá hết lên cao, có khi họ không gặt, ruộng nào đẹp thì gặt, ruộng xấu, nhỏ không gặt thì thôi. Cho nên nó ép giá là chính. Nên chúng tôi mới làm chứ không thì làm làm gì".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới